Câu chuyện về việc kinh doanh thiếu tầm nhìn, bỏ lỡ cơ hội có tựa đề “Lão nông nuôi vịt” luôn được mọi người truyền tai nhau và lấy làm bài học kinh nghiệm “gối đầu giường” trong kinh doanh, buôn bán. Chuyện kể rằng, có một lão nông chăm chỉ làm ăn, nhưng suốt đời nghèo khó.
Lão có 2 héc ta mặt nước hồ chỉ dùng để nuôi mấy con vịt cỏ và đánh bắt vài ba con cá tự nhiên ở hồ kiếm sống qua ngày. Thế rồi bỗng một hôm, một tiểu thương đi qua, tình cờ ghé nhà lão chơi và mê mẩn bởi hồ nước mênh mang, phong cảnh thiên nhiên hữu tình nơi đây. Vốn có óc kinh doanh, vị tiểu thương này đề nghị: “Tôi và ông hợp tác làm ăn, ông nuôi vịt, còn tôi xin được thuê lại hồ nước làm dịch vụ câu cá giải trí. Tôi trả ông 10 triệu đồng và đặt mua của ông 200 con vịt mỗi tháng, theo giá thị trường ngoài chợ.
Lão nông mừng như bắt được của vì bỗng dưng trời cho lão mỗi tháng thu nhập 10 triệu đồng, có nằm mơ cũng không nghĩ đến. Đó là chưa kể tiền lãi “khủng” từ kinh doanh nuôi vịt.
Hợp đồng được ký kết nhanh chóng và mọi việc tiến hành ngay sau đó. Một khu du lịch câu cá giải trí thơ mộng, hấp dẫn mọc lên giữa chốn đồng quê, thu hút sự hiếu kỳ của nhiều du khách, bởi phương thức kinh doanh mới lạ, hấp dẫn ở đây.
Khách vào câu cá giải trí mua vé 200 ngàn đồng/1 người/1 buổi câu và được tặng 1 con vịt cỏ tương (đương với giá bán 150 ngàn đồng). Cá câu được, khách có quyền mang về hoặc ăn tại chỗ tùy ý. Khách muốn ăn nhậu tại chỗ, có đầu bếp phục vụ và chỉ tính tiền công.
Tiếng lành đồn xa, khách khắp nơi đổ về đây câu cá giải trí những ngày nghỉ cuối tuần. Địa điểm nhà lão nông trở nên nổi tiếng khắp vùng.
Công việc làm ăn của lão nông và vị tiểu thương nọ tiến triển thuận buồm, xuôi gió, làm ăn phát đạt. Lão nông nhiều lần tăng số lượng đàn vịt nuôi lên cả ngàn con mà vẫn không đủ bán phục vụ khách đến câu. Còn vị tiểu thương thì ngồi ung dung thu tiền dịch vụ, lâu lâu mới phải đầu tư một chút tiền, thả thêm một vài tạ cá nhỏ xuống hồ nuôi, phục vụ khách câu.
Có cầu ắt có cung, vị tiểu thương tiếp tục đầu tư thêm lán trại cho khách câu tránh nắng và đầu tư kinh doanh phục vụ ăn uống tại chỗ. Sau vài năm làm ăn khấm khá, có thương hiệu, bỗng một hôm lão nông ngồi thừ ra suy nghĩ, tính toán: Ừ nhỉ?! Nếu không có đất đai và hồ nước của mình, thì liệu lão tiểu thương kia có thể làm giàu được không? Cảm giác bị thiệt thòi lớn dần trong suy nghĩ của lão. Rồi một hôm, lão gọi vị tiểu thương kia ra đặt vấn đề lại. Thưa ông, nếu không có đất của tôi, hồ nước của tôi thì làm sao ông có thể làm giàu được? Bây giờ ông muốn được thuê đất và hồ nước của tôi thì phải bổ sung thêm vào hợp đồng về việc ông đầu tư thêm lán trại và việc kinh doanh ăn uống…Tất nhiên ông phải trả thêm tiền cho tôi, vì trước đây trong hợp đồng, ông không thỏa thuận với tôi về việc này, nếu không thì tôi sẽ đóng cửa, không cho ông thuê nữa…
Vị tiểu thương chết đứng vì đang làm ăn phát đạt thì ông chủ đất là lão nông giở quẻ bắt đóng cửa không cho thuê. Thế nhưng, giữa lúc đang gặp khó thì ông chủ trang trại chăn nuôi gà ở làng bên biết chuyện, vội tìm gặp vị tiểu thương kia đề xuất hợp tác: Tôi không chỉ có 2 héc ta mà có cả 5 héc ta hồ nước, xung quanh là cả một vườn cây trái quanh năm xanh tốt, lại có cả một trang trại nuôi gà hàng ngàn con, nhưng việc kinh doanh nuôi gà của tôi nhiều năm nay bị đình trệ vì bị tiểu thương ép giá và gà nuôi không biết bán cho ai. Nếu ông thấy làm ăn được thì sang đây hợp tác với tôi…
Đang “buồn ngủ thì gặp chiếu manh”, vị tiểu thương lập tức chuyển địa điểm câu cá giải trí sang làng bên và một thời gian sau du khách lại ùn ùn kéo về bên đó, vì lần này khách đến câu cá còn có cả thuyền câu phục vụ và dịch vụ ăn uống trên thuyền. Mỗi vé vào câu được tặng một con gà (giá tiền đắt hơn một con vịt) và còn được phục vụ nước uống miễn phí.
Lại nói lão nông kia chỉ kinh doanh được thời gian đầu, sau đó dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách đến câu nên lão nông lại trở về với mấy con vịt cỏ nuôi nhỏ lẻ và hàng ngày vẫn phải mang ra chợ bán từng con kiếm sống như lúc khởi đầu.
Câu chuyện cho chúng ta bài học: Chỉ vì thiếu tầm nhìn mà lão nông đã đánh mất cơ hội kinh doanh nuôi vịt. Vậy nên làm giàu không khó, nhưng cái khó là ở tầm nhìn và phương thức kinh doanh.
Nhắc đến câu chuyện làm ăn của lão nông này, người ta chợt liên tưởng đến vụ Vũng Tàu – Marina. Tại sao thành phố Đà Nẵng ở tận miền Trung Nam Bộ, cách Vũng Tàu mấy trăm kilomet lại tìm đến đây hợp tác, mà Bà Rịa Vũng Tàu đang có trong tay cơ hội phát triển lại không thể phát huy được loại hình du lịch này (?!). Hàng loạt câu hỏi đặt ra về việc đóng cửa Vũng Tàu- Marina đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Một là, những sai phạm của Công ty Marina- Vũng Tàu như BQL các KCN liệt kê, được phát hiện từ khi doanh nghiệp này mới đi vào hoạt động, tại sao không xử lý ngay thời điểm đó mà để đến bây giờ (8 năm sau) mới xử lý? Khi phát hiện sai phạm, tại sao không cho dừng hoạt động ngay, mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh BR-VT vẫn lấy đây là địa điểm tổ chức giải đua thuyền và các hoạt động mang tính sự kiện lớn của tỉnh (?!)
Hai là, quy định nào của pháp luật là không cho kinh doanh du lịch trong khu công nghiệp? Điều 5 Luật Đầu tư 2020 và Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020 nêu rõ: Doanh nghiệp được đầu tư kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vậy tại sao Marina- Vũng Tàu lại không được phép hoạt động du lịch trong khu công nghiệp?
Nếu quy hoạch KCN Đông Xuyên không có chức năng hoạt động du lịch, không có đất dịch vụ thì tại sao vẫn có doanh nghiệp đang ngang nhiên làm dịch vụ, kinh doanh ăn uống, nhà hàng tiệc cưới mà không bị bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào kiểm tra (?!) Quy hoạch KCN Đông Xuyên không có chức năng giáo dục, thế nhưng vẫn có doanh nghiệp đào tạo hoạt động trong khu công nghiệp (?) Quy hoạch KCN Đông Xuyên không có cây xăng, nhưng vẫn có cây xăng, kho xăng hoạt động trong KCN (?).
Ba là, tại sao khi thỏa thuận địa điểm để cấp giấy chứng nhận đầu tư “Bến Thuyền Du lịch” cho doanh nghiệp thì BQL các KCN lại căn cứ vào “quy hoạch” (?) Trong khi quy hoạch KCN Đông Xuyên không có chức năng hoạt động du lịch, không có đất dịch vụ (?) điều này là vô cùng mâu thuẫn…
Nếu không có chức năng hoạt động du lịch tại sao không đặt tên khác là “Bến chuyên dùng” hoặc “Bến hàng hóa”…mà lại đặt tên là “Bến thuyền du lịch”?.
Không phải là cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho “Bến thuyền Du lịch” hoạt động, vậy tại sao BQL các KCN tỉnh BR-VT lại ra thông báo dừng hoạt động “Bến thuyền Du lịch”, trong khi giấy phép “Bến thuyền Du lịch” do Sở GTVT cấp vẫn đang còn hiệu lực (?).
Việc UBND thành phố Đà Nẵng mở rộng cửa và giang tay đón Vũng Tàu – Marina về tổ chức giải đua thuyền buồm trên sông Hàn tháng 6/2021 sắp tới, có được ví như hình ảnh người chủ trang trại làng bên trong câu chuyện “Lão nông nuôi vịt” nêu trên thì chưa biết có chính xác hay không, nhưng chắc chắn khách du lịch yêu thích du thuyền, sông nước sẽ đổ về Đà Nẵng trong thời gian tới và Bà Rịa Vũng Tàu sẽ mất đi một địa danh du lịch nổi tiếng cả nước từ nhiều năm nay.
Những người con yêu quê hương Bà Rịa Vũng Tàu, gắn bó cả đời người với vùng đất này, luôn trăn trở suy tư về tương lai phát triển của địa phương mình. Chúng ta hãy ngồi lại bàn bạc, tìm hướng đi đúng đắn cho Vũng Tàu Marina, thay vì loay hoay tìm các quy định, chế tài xử phạt vì một mục tiêu chung thúc đẩy sự phát triển của Bà Rịa Vũng Tàu. Bởi bất luận trong trường hợp nào dù đúng hay sai, nếu tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để mất Vũng Tàu Marina, một thương hiệu nổi tiếng cả nước từ nhiều năm nay sẽ là một thiệt hại lớn về nhiều mặt, trong đó có hình ảnh quảng bá các công trình dầu khí, các khu công nghiệp hiện đại, quảng bá hình ảnh du lịch, cảnh quan, tiềm năng, thế mạnh và con người nơi đây. Bởi đây cũng chính là một trong các quyết sách thu hút nguồn vốn đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh.
Chúng tôi rất tâm đắc lời phát biểu của một vị lãnh đạo trong đoàn công tác của UBND thành phố Đà Nẵng đến Vũng Tàu Marina (ngày 15/4/2021) do Chủ tịch Lê Trung Chinh dẫn đầu:
“Tất cả các quy định của pháp luật cũng như cơ chế chính sách là do chúng ta, các cơ quan luật pháp xây dựng và ban hành. Chúng tôi sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách, hỗ trợ tối đa và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Công ty CP Vũng Tàu – Marina tổ chức thành công giải đua thuyền buồm trên sông Hàn (tháng 6/2021) và phát triển loại hình du lịch này ở Đà Nẵng trong thời gian tới”.
Đào Quốc Thịnh