Sản phẩm áo phông nam được sản xuất trong nước nhưng trên nhãn phụ lại ghi xuất xứ Giovanni Group?
Xuất hiện từ năm 2007, thời trang cao cấp Giovanni đang ngày càng xây dựng được chỗ đứng trên bản đồ thời trang Việt Nam. Đặc biệt, với việc sử dụng cái tên rất Ý, sử dụng giao diện bằng tiếng Anh trên website trưng bày sản phẩm với tên http://www.giovanniluxury.com/, người mẫu nam, nữ chụp hình minh họa cho sản phẩm đều là người nước ngoài, bối cảnh, địa điểm trong các hình ảnh quảng cáo mang phong cách kiến trúc, không gian châu Âu, bởi thế trong gần một thập kỷ qua, thời trang Govanni khiến đa phần người tiêu dùng nghĩ rằng đây là thương hiệu thời trang quốc tế có nguồn gốc Italia được phân phối tại Việt Nam.
Tuy nhiên, có một thực tế, thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ hàng hóa được in trên nhãn phụ bằng tiếng Việt của nhiều sản phẩm nhập khẩu do Giovanni sản xuất và phân phối lại không thể hiện rõ ràng và theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Ghi nhận thực tế của PV, tại nhiều showroom thuộc hệ thống thời trang cao cấp Giovanni. Theo quan sát, từ: áo somi, áo thun, thắt lưng hay giày… có xuất xứ tại rất nhiều nước như: Italia, Thái Lan, Trung Quốc và có cả hàng sản xuất Việt Nam.
P.R.C là gì?
Theo lời của nhân viên tư vấn, sản phẩm áo thun thì vải được nhập khẩu trực tiếp từ Ý, còn gia công, sản xuất tại Việt Nam. Đối với những sản phẩm sản xuất trong nước thì doanh nghiệp phải ghi: “Xuất xứ Việt Nam”, nhưng ở đây, thời trang cao cấp Giovanni lại chỉ ghi “Xuất xứ Giovanni Group”.
Bên cạnh đó, trên nhãn phụ của các sản phẩm nhập khẩu, Giovanni ghi “Xuất xứ P.R.C”. Câu hỏi đặt ra, ở đây P.R.C là nước nào? Hay đây chỉ là từ viết tắt của quốc gia?
Theo tìm hiểu của PV, được biết, cụm từ P.R.C là viết tắt của “People’s Republic Of China”, tức là: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc).
Sản phẩm áo da được bán trên thị trường có giá “ngất ngưởng” lên tới 38.000.000 VND, nhưng trên nhãn phụ lại viết tắt nơi sản xuất là P.R.C. Liệu rằng, khi sản phẩm ghi rõ ràng là sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc, người tiêu dùng có mạnh tay xuống tiền để mua sản phẩm này hay không?
Tại sao thời trang Giovanni lại viết tắt cụm từ chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trong khi theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 43/2017 về Nhãn hàng hóa thì: Phải ghi rõ ràng tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó, không được viết tắt. Phải chăng, việc cố ý viết tắt nơi xuất xứ của sản phẩm như vậy là có mục đích?
Với những khách hàng không hiểu nghĩa của cụm từ P.R.C trên nhãn phụ, thì rõ ràng người tiêu dùng trong nước bị hiểu nhầm, hiểu không chính xác về nơi khai sinh của sản phẩm. Như thế, khách hàng sẽ cho rằng đây là nơi khác chứ không phải Trung Quốc và thường sẽ bỏ qua khi lựa chọn hoặc so sánh với sản phẩm khác.
Minh chứng rõ nhất là đối với sản phẩm áo da nam được quảng cáo là 100% da cừu cao cấp của Giovanni đang được bán trên thị trường có giá “ngất ngưởng” lên tới 38.000.000 VND, với xuất xứ ghi trên nhãn là P.R.C. Câu hỏi đặt ra, liệu rằng khi sản phẩm ghi rõ ràng là sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc, người tiêu dùng có mạnh tay xuống tiền để mua sản phẩm này hay không? Bởi từ trước đến nay, người Việt Nam luôn mang trong mình sự “hoài nghi”, cái nhìn không thiện cảm về những mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc.
Để có câu trả lời khách quan nhất gửi tới bạn đọc, PV Thương hiệu & Công luận đã tới liên hệ làm việc với Công ty CP Tập đoàn Giovanni (địa chỉ số 11, Trần Hưng Đạo, P. Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội), tuy nhiên, nhiều đã nhiều ngày qua đi nhưng vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ phía đơn vị chủ sở hữu thương hiệu thời trang cao cấp Giovanni này.
Dư luận không khỏi băn khoăn: Liệu rằng, sẽ có bao nhiêu khách hàng bày tỏ sự quan tâm (chưa nói đến xuống tiền mua sản phẩm) khi biết sản phẩm thời trang được quảng cáo là tiệm cận sa xỉ của Giovanni thực tế có có xuất xứ ở Trung Quốc? Và cơ quan chức năng có biết những dấu hiệu vi phạm đang tồn tại trên nhãn phụ của thời trang Giovanni?
Nhóm PV
Theo Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 43/2017 về Nhãn hàng hóa: Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt.