Ngày 23/5/2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác; sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết này.

Quang cảnh buổi họp kỳ thứ 9, quốc hội khóa XIVQuang cảnh buổi họp kỳ thứ 9, quốc hội khóa XIV

Tại phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu ý kiến, ba đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng, phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền trung - Tây Nguyên và cả nước.

 nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận, phường khi không tổ chức HĐND quận, phường; về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng... Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Đà Nẵng là thành phố năng động, có nhiều tiềm năng phát triển, là trung tâm của khu vực duyên hải miền trung, Tây Nguyên. Do đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho Đà Nẵng phát triển. Đa số ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đồng thời, tán thành với mô hình, phạm vi, thời gian thực hiện thí điểm và một số cơ chế, chính sách được nêu trong dự thảo Nghị quyết. Cụ thể:

- Về mô hình thí điểm, thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị một cấp: tại thành phố Đà Nẵng tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm HĐND, UBND; tại các quận và phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND. Theo đó, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền các cấp được điều chỉnh phù hợp với đặc thù của chính quyền đô thị, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh, cân nhắc việc bố trí cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách của thành phố và tăng cường năng lực các ban của HĐND thành phố để đảm nhiệm quyền hạn, nhiệm vụ mới.

- Về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận và UBND phường, các ý kiến đại biểu nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình.

- Về thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, có ba nhóm chính sách như sau: Một là, về điều chỉnh quy hoạch, tán thành với giải trình trong báo cáo của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, theo đó, chỉ cho phép điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị của thành phố; không đồng ý việc giao chính quyền thành phố thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố để bảo đảm tính ổn định, thống nhất và các nguyên tắc chung của Luật Quy hoạch. Hai là, về nhóm chính sách về tài chính - ngân sách, tán thành việc cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương và sử dụng nguồn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội của thành phố Đà Nẵng. Ba là, về việc giao cho HĐND thành phố quyết định bổ sung khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí, đồng ý với Tờ trình của Chính phủ.

- Ngoài ra, hiện nay có một số cơ chế, chính sách được nêu trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị như: vấn đề đất đai, môi trường, chính quyền cảng, cải cách chính sách tiền lương… đang được triển khai nghiên cứu, nên Chính phủ đề nghị chưa đưa những vấn đề này vào dự thảo Nghị quyết. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục phiên họp trực tuyến tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật.

Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu, trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với nhiều nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung sau: về phạm vi điều chỉnh; tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật; về nguyên tắc cơ bản, chính sách khuyến khích của Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng; về quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng công trình; về phân loại, cấp công trình dự án đầu tư xây dựng; xây dựng công trình tạm; về vật liệu xây dựng; về thủ tục hành chính trong cấp giấy phép xây dựng; miễn giấy phép xây dựng; về ban hành định mức và công bố chỉ số giá xây dựng; về thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế xây dựng; về dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; về quản lý trật tự xây dựng; về trách nhiệm của Ban quản lý dự án;…

Sau thảo luận, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các đại biểu đã thống nhất nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã đóng góp nhiều ý kiến về một số nội dung của dự án luật, cụ thể:

- Một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các nội dung cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, tránh xung đột với các luật hiện hành như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu cũng như một số dự án luật đang xem xét như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường.

- Có ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi, tính cụ thể của dự án luật. Ngoài ra, các đại biểu cũng có nhiều ý kiến về một số khái niệm cần làm rõ: về công tác phòng cháy, chữa cháy ở khu vực chung cư; về thủ tục cấp phép xây dựng; về thẩm định công trình xây dựng; về quản lý trật tự xây dựng; quản lý công trình xây dựng đô thị, nông thôn; quản lý năng lực xây dựng; trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan nhà nước các cấp và trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng; trách nhiệm quản lý đối với hoạt động ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng; quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng.

Các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu, giải trình; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật để Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.

Thứ Hai, ngày 25/5/2020, Buổi sáng: Quốc hội họp trực tuyến tại hội trường, nghe: i) Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này. ii) Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; sau đó, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Nghị quyết này.

Buổi chiều: i) Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; sau đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội. ii) Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Thanh niên (sửa đổi) và Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật; cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

 Hoan Nguyễn