Kỳ 1: Thực trạng đầu tư FDI tại Bắc Giang
Mặc dù được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng việc đóng góp vào NSNN lại tăng trưởng chậm, thậm chí nhiều DN liên tục báo lỗ. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải thay đổi quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài theo hướng ưu đãi thuế có chọn lọc.
Bức tranh thu hút FDI
Với chủ trương mở cửa hội nhập khuyến khích, thu hút vốn đầu tư, những năm qua, lượng vốn FDI đầu tư vào Bắc Giang ngày càng tăng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo thống kê, từ năm 1997 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang có 1.504 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 1.126 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đạt 80.728 tỷ đồng và 378 dự án có vốn FDI với tổng vốn đăng ký đạt 4.276,1 triệu USD.
Theo tìm hiểu, năm 2016, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.
Theo đó: “Thực hiện cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng từng bước phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, nhiên liệu, có giá trị gia tăng cao hướng về xuất khẩu, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh. Tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển của các doanh nghiệp cung cấp linh kiện, phát triển công nghiệp phụ trợ. Thực hiện tái cơ cấu ngay từ khâu thu hút đầu tư”.
Nhiều thách thức tiềm ẩn trong thu hút vốn FDI
Tuy nhiên, thực tế thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chưa phát triển mạnh theo chiều sâu, chưa phù hợp với mô hình tăng trưởng của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng và còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng. Năng suất lao động chậm được cải thiện, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực.
Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế còn thấp (Bắc Giang đạt khoảng 13%, trung bình cả nước đạt 25,8%). Chưa phát huy được lợi thế so sánh và tận dụng các cam kết hội nhập quốc tế để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững.
Minh chứng cho việc thu hút đầu tư các dự án FDI tại tỉnh Bắc Giang chưa đạt hiệu quả, chúng tôi đã tổng hợp số liệu của tỉnh Bắc Giang so sánh với một số địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… nhằm làm sáng tỏ bức tranh thu hút đầu tư từ các dự án FDI của từng địa phương.
So với Bắc Ninh, đến hết năm 2018, tỉnh này đã thu hút 2546 dự án đầu tư, trong đó có 1278 dự án FDI; tổng vốn đăng ký đạt hơn 17.051,646 triệu USD, gấp 4 lần so với Bắc Giang.
Theo thống kê, năm 2018, các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc có 224 dự án đang sản xuất, kinh doanh, trong đó có 186 dự án FDI. Năm 2018, các doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc đạt tổng doanh thu hơn 4 tỷ USD, nộp NSNN 2.661,9 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2018, toàn tỉnh Bắc Giang có hơn 300 dự án FDI, nhưng chỉ nộp NSNN có 670 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư có chọn lọc
Hiện nay, các DN FDI đầu tư vào Bắc Giang được hưởng ưu đãi lớn. Tuy nhiên, việc được hưởng nhiều ưu đãi, đã làm suy giảm nguồn thu, trong khi NSNN đang thiếu để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Đáng lưu ý, mặc dù được hưởng ưu đãi nhưng tốc độ tăng về số nộp NSNN của khu vực DN FDI thấp hơn tốc độ tăng về lợi nhuận trước thuế, tương ứng đóng góp vào NSNN của DN FDI tăng trưởng chậm hơn so với năng lực hoạt động.
Trước thực tế đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có một nghiên cứu tổng thể trước khi xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về thuế. Bên cạnh đó, quan điểm về thu hút đầu tư nước ngoài cần thay đổi theo hướng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định, thay vào đó, phải nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc, trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực; tập trung khuyến khích ưu đãi các ngành sản xuất có giá trị gia tăng lớn, liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đồng thời, thống nhất toàn ngành, lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế được quy định tại các luật thuế, không thực hiện theo các luật chuyên ngành.
KCN Vân Trung – tập trung phần lớn các DN Trung Quốc
Liên quan thu hút đầu tư tại Bắc Giang, được biết, tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có hơn 300 dự án FDI và nộp NSNN 670 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2018, cả tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ với 188 dự án FDI, nhưng nộp NSNN 2.661,9 tỷ đồng.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho hiệu quả đầu tư của các dự án FDI tỉnh Bắc Giang kém hiệu quả so với một số địa phương?
Theo bản báo cáo thực trạng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên địa bàn tỉnh từ năm 1997 đến nay; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới (đến năm 2030) của tỉnh Bắc Giang cho thấy, chỉ tính riêng công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài, có đến 52% xuất xứ từ Trung Quốc, chỉ 15% xuất xứ từ khối G7.
Ngoài ra, thu hút đầu tư FDI chưa đạt như kỳ vọng, so với các dự án đầu tư trong nước, các dự án FDI có xu hướng sử dụng nhiều lao động (thâm dụng lao động), tỷ lệ giá trị nộp ngân sách trên số vốn đầu tư thấp hơn, năng suất lao động cũng thấp hơn.
Hiệu quả thu NSNN đối với các dự án FDI không cao, còn có nguyên nhân nữa là do các DN này, khi đầu tư vào Bắc Giang, chủ yếu là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng trong đơn vị sản phẩm thấp, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn yếu, ít sản phẩm có thương hiệu uy tín, chất lượng cao. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chưa tiếp cận được thị trường, nhất là trong chế tạo các linh kiện phụ tùng máy móc thiết bị thay thế nhập khẩu.
Từ những nguyên nhân trên, có thể thấy rằng, việc lựa chọn nhà đầu tư là vô cùng quan trọng, nhất là đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, cần phải thận trọng hơn. Bởi lẽ, bài học nhãn tiền vẫn còn đó khi mà dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, đến thời điểm này, vẫn chưa đi vào khai thác thương mại (lùi tiến độ 10 lần) và bị đội vốn từ 553 triệu USD lên đến 868 triệu USD.
Chúng ta không phủ nhận những đóng góp không nhỏ mà các nhà đầu tư nước ngoài, các DN cũng như dòng vốn FDI đầu tư vào Bắc Giang, đã tạo ra những nguồn lực mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng… của tỉnh Bắc Giang. Thế nhưng, việc hiểu biết và nắm bắt hiệu quả FDI, cần phải có sự nhìn nhận khách quan. Và nếu không có tầm nhìn và sự quan tâm đúng mực, Bắc Giang khó có thể phát triển theo đúng tiềm năng và vị thế của mình.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 378 dự án FDI trong đó, phần lớn các DN đến từ các nước đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Các DN này khi đầu tư vào Bắc Giang chủ yếu là gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng/đơn vị sản phẩm thấp, chất lượng và sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn yếu, ít sản phẩm có thương hiêu, uy tín…
Hải Lâm - Hải Minh