Không học tủ và thích tự học
Xuất sắc vượt qua hơn 100 thí sinh dự thi vào lớp chuyên địa (Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022, em Vũ Nhật Linh (học sinh lớp 9, Trường THCS Vĩnh Yên, TP. Vĩnh Yên) đã trở thành thủ khoa chuyên địa với số điểm rất đáng ngưỡng mộ - 53,75 điểm. Nhật Linh cũng nằm trong TOP 4 học sinh có điểm số cao nhất đầu vào của Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc (hơn 500 học sinh trúng tuyển thi) năm nay.
Trong đó, thành tích của Linh đạt được lần lượt là: môn Ngữ văn 8.75 điểm, môn Tổng hợp 8.5 điểm, môn Toán 8.0 điểm và môn chuyên địa 9.5 điểm.
Vũ Nhật Linh thừa nhận bản thân ít nói và hướng nội, nhưng nói như “hát hay” với người em thân thiết. Nhật Linh cho rằng, bí quyết đạt điểm cao chính là yêu tất cả các môn học và luôn nêu cao tinh thần tự học, tự giác ôn luyện.
“Em không thích ồn ào. Ngoài học trên lớp, em thích tự học ở nhà vì thoải mái và thuận tiện hơn cho bản thân. Bên cạnh đó, em không bỏ sót, xem thường hay học tủ bất cứ môn nào, mà sắp xếp thời gian biểu khoa học, đơn giản nhất để học tất cả các môn”, Nhật Linh vui vẻ nói.
Ngoài ra, cô gái thủ khoa cũng tiết lộ, bố mẹ đều là công chức nhà nước, đi làm giờ hành chính nên đôi khi được nghỉ học, em ở nhà một mình và đây chính là cơ hội để em tự cân bằng trạng thái sau khoảng thời gian học căng thẳng, bằng cách, say sưa chế biến món ăn khoái khẩu mà không cần công thức, “giám sát” của phụ huynh. Nhật Linh ví von, dù chưa được điểm 10 về chất lượng, nhưng em như được “độc lập, tự do, hạnh phúc” qua từng món ăn do chính tay mình sáng tác.
“Khi nhận thông báo điểm thi và là thủ khoa chuyên địa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường Chuyên năm nay, em vừa luống cuống, “đơ cả phút” bởi bất ngờ, vui sướng, hân hoan dâng trào. Qua kết quả thi, em càng khẳng định, tự tin hơn vào ý thức tự học tập sẽ giúp chính bản thân chủ động, nỗ lực vượt qua từng chướng ngại vật, đôi khi có cả áp lực để chinh phục được vòng nguyệt quế”, Nhật Linh bồi hồi nói.
Tự hào về con gái, chị Ngô Tuyết Anh (mẹ của Nhật Linh) cho biết, con có ưu điểm là tự giác, chăm chỉ và ngoan ngoãn. Bố mẹ không gặp khó khăn trong việc dạy dỗ con mà luôn đóng vai trò là một người bạn đồng hành.
“Nhật Linh luôn tự giác và ý thức được kế hoạch học tập của chính mình. Con hồn nhiên, gần gũi nhưng tính hơi dát nên bố mẹ chỉ chuyện trò, gợi mở thông điệp và để con tự quyết định về việc học tập của mình.
Tôi chưa từng nặng nề, đặt vấn đề thành tích con học tập mà luôn bên cạnh, chăm lo miếng ăn, giấc ngủ của con. Đồng thời, nhắc nhở con cân bằng việc học và thư giãn, giải trí để đảm bảo sức khỏe. Có lẽ, bố mẹ trong vai trò là người đồng hành sẽ khiến con cảm thấy thoải mái, chủ động, yên tâm và có động lực phấn đấu hơn”, chị Tuyết Anh chia sẻ.
Không chỉ là con ngoan, trò giỏi, Nhật Linh còn được mọi người xung quanh yêu mến vì hiền, chăm chỉ, khiêm tốn. Đặc biệt, trong mắt các bạn, Nhật Linh là một người đam mê học tập, học tập gắn liền với hơi thở, lúc nào cũng có thể đọc sách, vận dụng kiến thức vào từng tình huống học tập, trải nghiệm thực tế một cách hóm hỉnh.
Theo lời chia sẻ của cô giáo chủ nhiệm, Nhật Linh là học sinh ưu tú, học đều các môn, đặc biệt có năng khiếu và thành tích nổi trội với môn Địa lý. Ngoài ra, Nhật Linh ít nói, nhưng tích cực tham gia các hoạt động tập thể, ngoại khóa với tinh thần tự giác rất cao.
Nhật Linh cho biết, mẹ em chính là người thổi hồn, giúp em nhận ra niềm thích thú với môn Địa lý. Càng học em càng thấy yêu thích môn học này hơn.
Từ yêu thích, đam mê đến chinh phục ước mơ
Nhật Linh trong ánh mắt long lanh, giọng nói hồn nhiên, trong trẻo và nụ cười giòn tan: “Địa lý là môn học cô đọng, gần gũi, thiết thực, sinh động nhất, đưa em khám phá cuộc sống, thiên nhiên qua từng bài học. Địa lý cũng là “kho báu” em hứng thú, yêu thích, đam mê chinh phục và giúp em hiện thực ước mơ – trở thành học sinh lớp chuyên địa, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc”.
Cô gái thủ khoa nhỏ nhắn, xinh xắn nhớ lại, có lẽ, vì yêu thích đặc biệt môn địa nên em đạt kết quả học tập cao nhất ở môn học này và được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Địa từ năm học lớp 8. Đây là mốc quan trọng giúp em ý thức hơn về sự yêu thích, đam mê đặc biệt với môn địa, và là động lực để em phấn đấu học tập tốt hơn.
Mọi sự cố gắng, nỗ lực đã giúp Nhật Linh đạt được những thành tích nổi bật với 2 giải Nhất cấp Thành phố và 1 giải Ba tỉnh môn Địa lý.
Bước vào lớp 9, niềm yêu thích với môn học này càng lôi cuốn Nhật Linh hơn. Để vừa đảm bảo việc học các môn khác, vừa thực hiện được niềm yêu thích địa lý, Nhật Linh phải phân bổ thời gian phù hợp hơn và cố gắng mỗi lần lên lớp, em tập trung nghe bài giảng, nắm vững kiến thức. Khi về nhà em sẽ xem và hệ thống kiến thức bài đã học. Như vậy, em còn lại thời gian khá nhiều cho môn Địa lý.
Nói về kinh nghiệm đạt điểm cao môn địa, cô thủ khoa Nhật Linh nhấn mạnh đến cách nắm vững lý thuyết, kỹ năng vẽ, nhận xét biểu đồ và kinh nghiệm làm bài trong phòng thi.
Về lí thuyết, để nắm chắc kiến thức, Nhật Linh đã phân loại toàn bộ nội dung học từ tổng quát đến chi tiết và ngược lại với lối tư duy đơn giản, logic. Ví dụ, trong chương trình học, em phân loại thành địa tự nhiên và xã hội. Trong đó, địa tự nhiên bao gồm vị trí địa lý, khí hậu, địa hình, đất, sông ngòi, tài nguyên thiên nhiên...; địa lý xã hội bao gồm lịch sử phát triển lãnh thổ, dân cư, các ngành kinh tế (nông, công nghiệp, dịch vụ...).
Về kỹ năng vẽ biểu đồ, Nhật Linh cho rằng đây là phần thi dễ ăn điểm nhất vì thường xuyên, liên tục làm bài tập, ôn luyện trong tất cả các dạng bài, đề thi thử.... Để đạt điểm tối đa với câu hỏi vẽ biểu đồ, trong quá trình làm bài, Nhật Linh luôn đọc kỹ đề và xác định đúng dạng biểu đồ cần vẽ. Phần nhận xét biểu đồ, cần xác định được nội dung trọng tâm của yêu cầu, khi chỉ ra các con số cần phải vận dụng kiến thức lý thuyết đã học để nêu rõ nguyên nhân, hiện tượng địa lí có xu hướng tăng, giảm, biến động...
“Học môn địa sẽ cực kỳ hiệu quả, nhớ lâu hơn khi kết hợp với Atlat. Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, các kỳ thi tuyển còn phân loại thí sinh dựa trên khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề. Muốn đạt điểm cao, cách tốt nhất là rèn cho mình những kỹ năng cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải thận trọng trong việc phân chia thời gian cho các câu hỏi dựa trên điểm số của từng câu. Câu nào dễ làm trước, khó làm sau; dành khoảng 15 phút đầu tiên để đọc tất cả các câu hỏi và vạch ra dàn ý đại cương. Nếu bỏ qua công đoạn này, khi làm xong các câu dễ đến câu khó, thí sinh sẽ không còn thời gian lập dàn ý. Lúc đó thường sẽ có tâm lý hoang mang, rất khó tập trung để suy nghĩ ra câu trả lời đúng nhất”, Nhật Linh chia sẻ lưu ý của bản thân để học và làm bài thi địa đạt kết quả cao nhất.
Với nền tảng kiến thức đã học, tích lũy, Nhật Linh tự tin và không có cảm giác lo lắng khi đề cập đến chương trình học tập với cường độ cao trong lớp chuyên địa, Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc tới đây.
Nhật Linh cũng tự nhận, sở đoảng của bản thân là không thuộc tuýp thông minh, sở trường là ý thức tự giác, kỷ luật trong lịch trình học tập, ôn luyện, vui chơi, giải trí.
“Những ngày trong tuần, nhất là thời gian ôn thi lớp 10, em dậy rất sớm để ôn luyện và kết thúc việc học lúc 22 giờ. Đối với ngày nghỉ cuối tuần, em cũng thoải mái thư giãn, giải trí bằng cách ngủ nướng, dậy thì nghe nhạc, tập nhảy, đi siêu thị và thường xuyên cùng bố, mẹ về quê thăm ông bà ngoại để cân bằng, nạp thêm năng lượng tích cực, yêu thương”, Nhật Linh tủm tỉm cười, nói.
Trong thời gian tới, Nhật Linh sẽ tiếp tục nỗ lực học tập để có cơ hội tham gia vào đội tuyển địa quốc gia; đạt kết quả thật cao cho các kì thi phía trước và tích cực hơn nữa trong hoạt động tập thể, ngoại khóa ở trường để có những tháng ngày tươi đẹp khi học tập ở ngôi trường em mơ ước – Trường THPT Chuyên tỉnh Vĩnh Phúc.
Hoan Nguyễn