Nhằm bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thành viên chủ động kiểm tra và phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi khi thị trường có biến động về cung cầu hàng hóa.
Ảnh minh họa
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương, qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm lũy kế từ ngày 1/1/2020 đến ngày 19/6/2020, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý trên 33 nghìn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 150 tỷ đồng, ước giá trị hàng tịch thu chưa bán trên 218 tỷ đồng.
Trong đó, riêng về mặt hàng trang thiết bị y tế dùng để phòng, chống dịch Covis-19, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 9.088 cơ sở, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 4,72 tỷ đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng QLTT đã chuyển cơ quan điều tra 60 vụ; đã khởi tố hình sự 4 vụ; không khởi tố hình sự 13 vụ; đang tiếp tục điều tra 43 vụ, trong đó buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu 22 vụ; gian lận thương mại 8 vụ; hàng giả 22 vụ; vi phạm khác 8 vụ.
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương cho biết, những vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường đã được Cục QLTT các địa phương chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm như các vụ việc gian lận trong kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, thực phẩm chức năng, sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng.
Để tạo điều kiện để lực lượng QLTT cả nước hoàn thành nhiệm vụ 6 tháng cuối năm cũng như trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, ban hành 2 Nghị định mà Bộ Công Thương đã trình Chính phủ, bao gồm Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP; Nghị định thay thế Nghị định số 67/2017/NĐ-CP.
Cùng đó kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung lực lượng QLTT được sử dụng xe có tín hiệu được quyền ưu tiên trên cơ sở đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 109/2009/NĐ-CP ngày 1/12/2009 của Chính phủ quy định về tín hiệu của xe được quyền ưu tiên.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cũng kiến nghị các Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật quản lý tài sản công; hướng dẫn xử lý mẫu lưu sau khi kết thúc kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá trong trường hợp người sản xuất, kinh doanh không vi phạm quy định chất lượng hàng hóa.
HoanNguyễn