Ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số lần thứ ba (2 cuộc điều tra lần trước được tổ chức vào năm 2015 và 2019) sẽ bắt đầu từ ngày 1/7 đến hết ngày 15/8, do Ủy ban Dân tộc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp tổ chức.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, cuộc điều tra có ý nghĩa rất quan trọng.

Toàn cảnh Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số. Ảnh Gia Thành.
Toàn cảnh Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số. Ảnh Gia Thành.

Qua Điều tra sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan Trung ương cũng như các địa phương vùng dân tộc thiểu số có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2024 và dự kiến đến năm 2025, đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026-2030.

Cuộc điều tra sẽ làm cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Theo ông Hầu A Lềnh, thu thập thông tin tại địa bàn là giai đoạn cực kỳ quan trọng, việc thu thập được thông tin phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng dân số và nhà ở sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước và vùng dân tộc thiểu số.

Ảnh internet.
 Thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội để lên kế hoạch phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số. Ảnh internet.

"Tôi hy vọng cuộc điều tra lần này sẽ tiếp tục đưa ra những thông tin, dữ liệu chất lượng để Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoạch định chiến lược, chính sách dân tộc trong thời gian tới; từng bước khắc phục, giải quyết những khó khăn đồng thời phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng, thế mạnh của cộng đồng các dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; tăng cường củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc", Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, việc tổ chức thành công Lễ ra quân điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 tại Hòa Bình có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tuyên truyền để các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiểu được mục đích, ý nghĩa của cuộc điều tra.

Từ đó, tích cực phối hợp với các điều tra viên thống kê để cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời. Đồng thời, Lễ ra quân còn giúp các cấp lãnh đạo và toàn hệ thống chính trị trong tỉnh hiểu được tầm quan trọng của cuộc Điều tra, qua đó chỉ đạo thực hiện tốt cuộc Điều tra tại địa phương.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị Tổng cục Thống kê và Cục thống kê các địa phương tổ chức tốt việc giám sát công tác thu thập thông tin tại địa bàn và việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng tham gia điều tra, đảm bảo mục tiêu thu thập thông tin đúng, đủ, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo quy định tại phương án điều tra.

UBND các xã, phường, thị trấn có địa bàn điều tra tích cực tuyên truyền về điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024; đôn đốc điều tra viên, tổ trưởng thực hiện tốt công tác thu thập thông tin tại địa bàn đảm bảo tiến độ, chất lượng...

Thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội để lên kế hoạch phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số. Ảnh internet.
Thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội để lên kế hoạch phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số. Ảnh internet.

Đánh giá cao những nỗ lực chung của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê trong việc tiến hành cuộc điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho hay, kết quả thu được từ cuộc điều tra sẽ giúp chúng ta biết được sự khác biệt giữa các nhóm dân tộc thiểu số, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống.

Ông nhấn mạnh: "Đây là những dữ liệu quan trọng giúp theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các chính sách của Chính phủ đồng thời là cơ sở để ban hành các quyết định chính sách nhằm giảm bớt những thiệt thòi mà các nhóm dân tộc thiểu số đang phải đối mặt".

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ, cuối tháng Tư, ông có dịp đến thăm xã Mù Sang, huyện Phong Thổ của tỉnh miền núi Lai Châu. Nơi đây là địa bàn sinh sống của 20 dân tộc thiểu số, chiếm tới 80% dân số toàn tỉnh.

Trong chuyến thăm này, ông đã được trực tiếp nghe người dân địa phương tâm sự rằng, "họ không đến trạm y tế vì nhà ở rất xa và không có tiền đi lại, đôi khi có tiền nhưng cũng chẳng có xe mà đi" hay "không đến trạm y tế sinh con vì phong tục của chúng tôi là không sinh con trước mặt người lạ"...

Ông Matt Jackson trăn trở: "Chuyến công tác này đã đặt ra cho tôi những câu hỏi như: Làm thế nào để chúng ta có thể cải thiện sức khỏe và phúc lợi cho các dân tộc thiểu số sống ở những vùng miền khác nhau của đất nước? Chúng ta có thể làm gì để giảm tỷ lệ tử vong mẹ từ những nguyên nhận có thể phòng ngừa? Và làm thế nào chúng ta có thể cung cấp thông tin và dịch vụ về sức khỏe sinh sản và tình dục một cách tốt nhất?

Trả lời được những câu hỏi này sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe và thực hiện các quyền và lựa chọn cho tất cả mọi người.

Và đương nhiên, chúng ta không thể giải quyết được những vấn đề trên nếu không có dữ liệu. Dữ liệu phân tách, toàn diện, tin cậy sẽ là cơ sở để xây dựng chính sách phù hợp, tăng khả năng tiếp cận, đáp ứng nhu cầu của những người có nguy cơ cao bị bỏ lại phía sau".

PV (t/h)