Trong đó, nhiều công trình, dự án thuộc chính sách đầu tư phát triển bền vững đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân.
Xây dựng hạ tầng thiết yếu
Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh Bùi Thị Liên cho biết:
Tiền thân là trường bổ túc văn hóa, trường được xây dựng từ năm 1997 với diện tích 7.500m2, đảm nhiệm dạy khối THCS dân tộc nội trú 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Khi nhận chuyển giao, các phòng học của trường đều được xây cấp 4 trên nền cũ, nền nhà cao nhưng phòng nhỏ, thấp, không đạt các tiêu chí về diện tích, ánh sáng.
Trường phổ thông DTNT THCS Lộc Ninh trước và sau khi được đầu tư xây dựng mới
Năm 2022, đồng bào DTTS trên địa bàn huyện rất phấn khởi khi được tỉnh đầu tư 50 tỷ đồng để xây dựng ngôi trường mới. Công trình được bàn giao và đưa vào sử dụng với quy mô 17 phòng học, 32 phòng nội trú, 11 phòng khối hiệu bộ, nhà ăn, nhà bếp… đáp ứng tốt nhu cầu ăn, ở, học tập của học sinh. Hiện trường đang chăm sóc và đào tạo 235 học sinh của hơn 10 DTTS trên địa bàn. Hằng năm, học sinh của trường còn được hỗ trợ học bổng, trang cấp hiện vật, sách giáo khoa, hỗ trợ quà tết Nguyên đán, tết dân tộc, mua bảo hiểm y tế…
Lộc Ninh tiếp tục khởi công công trình đường giao thông nông thôn từ nguồn vốn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023 tại xã Lộc Khánh
Không chỉ quan tâm chăm sóc, giáo dục học sinh DTTS, đời sống đồng bào DTTS cũng được nâng lên rõ rệt nhờ những chủ trương, quyết sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Đoàn Quốc Ngữ cho biết, trước đây, hơn 150 hộ dân thuộc 2 ấp Cần Lê và Ba Ven đi qua cầu tạm tổ 1 rất khó khăn, đặc biệt khi vận chuyển hàng hóa, chỉ có xe công nông nhỏ đi được. Năm 2023, xã đã bàn giao cầu dân sinh bê tông cốt thép thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Công trình có chiều dài 18,6m, rộng 6m, với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ đồng.
Cầu dân sinh đưa vào sử dụng góp phần giúp người dân, học sinh đi lại thuận lợi hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, từng bước hoàn thành mục tiêu xóa bỏ, thay thế những cây cầu tạm, góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Lồng ghép các chương trình, chính sách
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hồ Quang Khánh cho biết:
Hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện triển khai thực hiện lồng ghép đầu tư thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới trên địa bàn.
Cụ thể, thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh, từ năm 2019-2023, huyện Lộc Ninh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 338 căn nhà, khoan 202 giếng nước, kéo điện lưới quốc gia cho 143 hộ, hỗ trợ các dịch vụ thông tin cho 288 hộ; hỗ trợ trâu, bò, dê giống, nông cụ… cho đồng bào DTTS với tổng hơn 56 tỷ 500 triệu đồng.
Bà con đồng bào DTTS huyện Lộc Ninh được đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch tập trung phục vụ sinh hoạt
Nhiều hộ đồng bào được hỗ trợ bò giống phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo theo Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh
Các chính sách đầu tư phát triển bền vững như Chương trình 135, Chương trình 2085 cũng được triển khai thực hiện hiệu quả. Nổi bật là đã hoàn thành xây dựng 26 công trình đường giao thông nông thôn với tổng 12 tỷ 818 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất cho 116 hộ nghèo thuộc 6 xã trên địa bàn. Chương trình 2085 đã hỗ trợ làm đường giao thông, nước sinh hoạt, mua sắm nông cụ hơn 189 tỷ đồng; hỗ trợ 94 hộ vay hơn 3,3 tỷ đồng.
Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hoá đến tận vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con
Cầu dân sinh đưa vào sử dụng giúp người dân, học sinh đi lại thuận lợi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần vùng đồng bào DTTS Lộc Khánh
Phấn khởi nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã phân bổ 157 tỷ 632 triệu đồng cho huyện để thực hiện 10 dự án. Đặc biệt là dự án quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, làm đường giao thông nông thôn… phục vụ sinh hoạt và sản xuất, lưu thông, trao đổi hàng hóa ở địa phương. Đến cuối năm 2023, huyện đã giải ngân 105 tỷ 639 triệu đồng, đạt 67% kế hoạch.
Các cấp chính quyền Lộc Ninh cùng chung tay thực hiện di dời chuồng trại gia súc gây ô nhiễm môi trường ra xa nhà
Ngoài ra, thực hiện Công văn số 218-CV/HU của Huyện ủy Lộc Ninh về việc di dời chuồng trại gia súc gây ô nhiễm môi trường, nhất là vùng đồng bào DTTS đã đạt những kết quả rõ rệt. Cụ thể, có 910/910 chuồng trại được di dời với hơn 4.500 con gia súc. Tổng kinh phí cho việc di dời 2,17 tỷ đồng, trong đó địa phương vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ vật tư, công lao động gần 1 tỷ đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 29 triệu đồng, số còn lại do người dân đối ứng.
Song song đó, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã hỗ trợ đồng bào DTTS vay hàng chục tỷ đồng; cho vay vốn học sinh, sinh viên hơn 1,6 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ đồng bào DTTS còn được vay vốn giải quyết việc làm, xây nhà ở, nước sạch... Chính sách này đã giúp đồng bào DTTS mở rộng và duy trì sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đây cũng là chủ trương, mục tiêu xuyên suốt của huyện trong xây dựng nông thôn mới.
Từ các chương trình, đề án, chính sách thực hiện tốt, nhất là trong vùng đồng bào DTTS, diện mạo nông thôn mới huyện Lộc Ninh đã thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm liên tục qua các năm. Từ năm 2016-2022, hộ nghèo DTTS giảm bình quân 94 hộ/năm, cuối năm 2022, toàn huyện còn 230 hộ nghèo. Ðến cuối năm 2023, huyện tiếp tục giảm 196 hộ nghèo, chỉ còn 34 hộ, trong đó hộ nghèo DTTS còn 14/34 hộ, chiếm 41,17% tổng số hộ nghèo; hộ cận nghèo DTTS là 227/422 hộ, chiếm 54,69% tổng số hộ cận nghèo.
H. Thủy (Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/)