Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 chính thức được bắt đầu từ 6/11/2017 tại TP. Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã có bài phát biểu về Định hướng và chính sách phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật phát biểu tại APEC 2017
Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã giới thiệu sơ lược về thực trạng hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam. Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam đã được đầu tư phát triển trên tất cả các lĩnh vực chuyên ngành.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, tạo lập được sự kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và với quốc tế. Giao thông đô thị từng bước được cải tạo, nâng cấp và mở rộng, đặc biệt tại các đô thị lớn.
Đối với hoạt động vận tải đã từng bước được quản lý chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải trong nước và quốc tế; hạn chế được tình trạng ùn tắc hành khách, hàng hóa tại cảng hàng không, ga đường sắt, bến xe, bến cảng vào mùa vận tải cao điểm.
Đồng thời, ngành vận tải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ vận tải; điều chỉnh cơ cấu vận tải theo thành phần kinh tế. Trước đây, chủ yếu chỉ có các doanh nghiệp nhà nước tham gia vận tải, nay đã xã hội hoá với nhiều thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt đã hình thành một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải tích tụ được vốn và trình độ quản lý, đảm bảo thị trường vận tải cạnh tranh lành mạnh.
Giá cước vận tải cơ bản đã được kiểm soát, bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, nhìn chung hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam hiện nay còn bộc lộ nhiều yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, mạnh để tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bên cạnh đó, do khó khăn về nguồn lực, hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu cũng không được duy tu, bảo dưỡng đầy đủ, kịp thời, nguy cơ dẫn tới xuống cấp, giảm năng lực phục vụ, khai thác. Những bất cập trên đã và đang làm giảm vị thế đi trước mở đường của ngành GTVT trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam, Chính phủ và Bộ GTVT đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 – 2020 và với định hướng phát triển đó, ngành GTVT xác định nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 vào khoảng gần 1 triệu tỷ đồng, trong đó khoảng 60% cần được cân đối từ nguồn ngân sách (vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA) và 40% từ nguồn huy động ngoài ngân sách nhà nước.
Hưng Khánh