Theo thống kê trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó, trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. 20% trẻ em dưới 8 tuổi cho biết bị kỷ luật bằng bạo lực thể chất trong trường học… 3 năm gần đây, số lượng vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý ở Việt Nam có giảm, nhưng tỷ lệ giảm không nhiều (năm 2016 giảm 4,4% so với năm 2015; năm 2017 giảm 3% so với năm 2016).

Riêng 5 tháng đầu năm 2018, toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%... Tính chất các vụ việc càng ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Nạn nhân bị bạo lực, xâm hại xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả trẻ em ở lứa tuổi mầm non. Hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức…

Hội nghị đã được nghe đại biểu đóng góp nhiều ý kiến nhằm phòng, chống và chặn đứng tình trạng xâm hại trẻ em. Theo đó, giải pháp quan trọng là phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em…

Thủ tướng Chính phủ: Hãy lên án những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em - Hình 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hành vi bạo lực, xâm hại, ngược đãi trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp. Thủ tướng kêu gọi cả xã hội hãy mạnh mẽ lên án những hành vi sai trái, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em; chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em…

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về trẻ em; tăng cường giáo dục đạo lức, lối sống trong gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần quan tâm bố trí nguồn lực vật chất và con người cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về công tác chăm sóc, giáo dục; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện. Các gia đình cần chú trọng xây dựng văn hóa gia đình, quan tâm chăm sóc, giáo dục con em mình, đồng thời, chủ động trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực, xâm hại.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao trách nhiệm cho Bộ LĐTB&XH khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án vận động nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm sóc trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Ủy ban MTTQ Việt Nam tiếp tục phát động phong trào ủng hộ áo ấm cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp, các ngành phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ trẻ em và thực hiện phong trào này song song, lồng ghép với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Thanh Bình