Đó là quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tại Hội nghị thường trực Chính phủ gặp mặt các DNNN tiêu biểu toàn quốc, phát động phong trào thi đua triển khai nhiệm vụ năm 2024, góp phần hoàn thành thắng lợi NQ số 01/NQ-CP của Chính phủ.
2024 - năm tăng tốc phát triển
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó có 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Đến đầu năm 2023, tổng tài sản của DN trên toàn quốc đạt 3,8 triệu tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu đạt 1,8 triệu tỷ đồng. Tổng giá trị vốn Nhà nước đang đầu tư tại các DN là gần 1,7 triệu tỷ đồng.
Tổng hợp số liệu của 605/676 DN, ước tính, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN năm 2023, cơ bản hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng doanh thu của các DN năm 2023 là hơn 1,6 triệu tỷ đồng; tổng số tiền thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước là hơn 166 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước năm 2023 là hơn 60 nghìn tỷ đồng, đạt 110% so kế hoạch phê duyệt…
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, phân tích tình hình, đánh giá kết quả, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức hoàn thành nhiệm vụ năm 2024 và thời gian tới. Trong đó, tháo gỡ khó khăn trong quản lý DN; có cơ chế linh hoạt hơn để huy động các nguồn lực mà các DN đang nắm giữ; tạo điều kiện cho các DN phát triển; hỗ trợ các DN áp dụng công nghệ trong quản lý, vận hành, sản xuất, kinh doanh…
Sau khi lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu và giải đáp các đề xuất, kiến nghị của DN, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính - một lần nữa bày tỏ tri ân, chia sẻ với cộng đồng DN; khẳng định Chính phủ luôn luôn đồng hành - bên cạnh DN, bất kể là DN tư nhân hay DN, để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, DN...
Nhắc lại thời kỳ khó khăn trước đổi mới của đất nước, Thủ tướng cho biết, với quan điểm bám đuổi, tiến cùng, theo kịp và vươn lên, đến nay, Việt Nam “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế như hiện nay” - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ.
Nêu các yếu tố nền tảng phát triển đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã định hình con đường phát triển của đất nước phù hợp với chủ nghĩa Marx–Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc và phù hợp với tình hình từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Trong đó, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế; DNNN là nòng cốt trong phát triển kinh tế đất nước.
Đánh giá về vị trí, vai trò của DNNN, Thủ tướng khẳng định, DNNN nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; có vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế; đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội.
Thời gian qua, các DN tiếp tục bảo toàn và phát triển vốn, tài sản, áp dụng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; nhiều DN lớn đi đầu trong các công nghệ mới; một số DN vươn tầm thế giới; các DN tham gia thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là phát triển nguồn lực và hạ tầng; góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…
Chủ động và tăng tốc
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những thành tựu, kết quả rất cơ bản của các DNNN trong năm qua, dù gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhìn nhận, vẫn có một số DNNN thua lỗ, một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh, một số tập đoàn, tổng công ty có lợi nhuận âm, trong đó có DN có quy mô lớn, vai trò quan trọng.
Thủ tướng chỉ rõ, các DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty, mặc dù đã rất nỗ lực triển khai các dự án đầu tư mới, nhưng vẫn chưa tương xứng với nguồn lực được giao nắm giữ; hiệu quả đầu tư chưa như kỳ vọng, đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án có vốn đầu tư lớn không thành công, tiềm ẩn rủi ro, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, phương thức tái cơ cấu chưa hiệu quả.
Năng lực cạnh tranh, khoa học và công nghệ của các DNNN còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, công tác đổi mới quản trị kinh doanh còn chậm, chưa thực sự hướng tới các nguyên tắc, thông lệ quốc tế, chi phí sản xuất, kinh doanh còn lớn, công nghệ, công cụ quản trị kinh doanh còn chậm đổi mới.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế, chưa đạt bình quân chung cả nước năm 2023. Tỷ trọng đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là những ngành mới như sản xuất năng lượng sạch, tái tạo, công nghệ cao, chip bán dẫn, hydrogen chưa được ưu tiên, chưa có những dự án đầu tư phát triển với quy mô lớn để tạo động lực bứt phá, có tính lan tỏa.
Bên cạnh đó, một số DN để xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, phải xử lý.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cần rút kinh nghiệm, chỉ ra nguyên nhân của những điểm chưa được; xử lý nghiêm những người làm sai, vi phạm, nhưng không vì thế mà chùn bước. Chúng ta phải nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái bằng tất cả tư duy, kinh nghiệm sẵn có cộng với kinh nghiệm của thế giới; phải chủ động hơn nữa - đề ra những cách làm mới, thì mới tăng tốc và vượt lên được.
Thủ tướng quán triệt:
“Các DNNN cần phải tự tin đi lên, thắng không kiêu, bại không nản, tạo động lực mới, khí thế mới, thành quả mới, thắng lợi mới.
Quan trọng là, chúng ta phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc, phản ứng chính sách kịp thời, phát triển chủ yếu dựa vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển”.
Vai trò dẫn dắt nền kinh tế
Thủ tướng yêu cầu, DNNN tiếp tục phát huy vai trò mở đường, lực lượng tiên phong - dẫn dắt của nền kinh tế; dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
DNNN không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo hướng nâng cao chất lượng. Cụ thể là nghiên cứu, hợp tác triển khai một số dự án năng lượng, công nghệ mới, theo xu hướng dịch chuyển trên thế giới, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đẩy mạnh các động lực mới về tăng trưởng liên quan chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu.
DNNN tăng cường liên kết với các DN trong nước, thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, tạo các chuỗi liên kết, cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học và công nghệ; khuyến khích hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại DN, tạo động lực bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các đề án cơ cấu lại, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển hằng năm và 5 năm - đã được phê duyệt, rà soát, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình.
DNNN đánh giá thực trạng của mình, các dự án đầu tư, tăng cường đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế; sắp xếp tinh gọn bộ máy, tiếp tục cơ cấu lại các đơn vị thành viên, thoái vốn tại các đơn vị yếu kém, thua lỗ, không hiệu quả, duy trì nắm giữ, tăng vốn tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh trực thuộc., phù hợp với ngành nghề chính.
DNNN chú trọng xây dựng thương hiệu, đánh giá đúng và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng đơn vị để vươn lên; xử lý dứt điểm những tồn tại, các dự án yếu kém, trên cơ sở xem xét lợi ích tổng thể, chứ không phải lợi ích cục bộ.
Bên cạnh đó, DNNN cần tái cấu trúc quản trị: Tái cấu trúc bộ máy hoạt động tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tái cấu trúc lực lượng lao động theo hướng nâng cao chất lượng, giảm số lượng; tái cấu trúc về vốn, bảo đảm an toàn, phát triển vốn, tập trung cho đầu tư phát triển; tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng quy luật cung - cầu, quy luật cạnh tranh; nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu với các cú sốc kinh tế cả ở trong nước và nước ngoài; bảo đảm tăng trưởng, từ đó đóng góp cho tăng trưởng chung, ngân sách nhà nước, nâng cao đời sống của người lao động.
DNNN làm tốt việc giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia; khơi thông nguồn lực DNNN ngang tầm chiến lược; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, manh mún, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thu hút đầu tư xã hội; huy động nguồn lực của xã hội…
Thủ tướng lấy ví dụ, việc xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, phải huy động sức mạnh của các địa phương, DN, tạo cạnh tranh, chống độc quyền trong xây dựng đường dây tải điện này.
Thủ tướng lưu ý, chúng ta thúc đẩy vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC); sử dụng nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Thủ tướng chia sẻ: “Điều tôi mong muốn nhất, thông điệp tôi muốn truyền tải đó là DNNN phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, các ngành mới nổi; trên cơ sở đó đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng và liên kết với các tập đoàn, tổng công ty nước ngoài, tập đoàn tư nhân để tạo ra chuỗi giá trị, không làm ăn riêng lẻ trong bối cảnh hội nhập hiện nay”.
Với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải tích cực, chủ động, trách nhiệm trong giúp đỡ DN, tạo điều kiện, cơ hội cho DN phát triển - “không để DN đến xin, đến kêu thì mới làm”; phối hợp hiệu quả với DN để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, phát huy mặt mạnh, hạn chế điểm yếu, tiến cùng, theo kịp và vươn lên, tăng tốc phát triển.
Các bộ, ngành tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12/5/2022 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 06/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư của 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, xây dựng đề án về quản lý nhà nước với DNNN, theo hướng tách bạch chức năng chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN sơ kết mô hình ủy ban, đề xuất hoàn thiện các quy định liên quan, chủ động, tích cực hơn nữa trong hoạt động.
Các địa phương cần phải tích cực, chủ động vào cuộc, phát huy, nhân lên các mô hình tốt như Becamex Bình Dương; đóng góp vào việc xây dựng thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ chế giám sát để bảo đảm hoạt động lành mạnh, hiệu quả của các DNNN.
Bùi Quyền