Đây là nội dung được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức vào sáng 13/01, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan.
Nông nghiệp chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của nền kinh tế
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành NN&PTNT với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và "đổi mới tư duy" để vượt qua khó khăn, thách thức từ các "tình huống bất bình thường" của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.
Toàn bộ 6/6 chỉ tiêu của ngành được Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch: Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,36% là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây (Chính phủ giao 2,5 - 2,8%); kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,22 tỷ USD (Chính phủ giao 50 tỷ USD), thặng dư thương mại đạt 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế; tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 73,06% (Chính phủ giao 73%) và 255 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Chính phủ giao 235 đơn vị); số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt 78% (Chính phủ giao 77%); tỉ lệ che phủ của rừng đạt 42,02%.
Bộ trưởng nhấn mạnh ngành đang nắm giữ nguồn tài nguyên, nguồn lực rất lớn của đất nước, cần đẩy mạnh đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng nông nghiệp, phát huy cao hơn nữa trách nhiệm trước đất nước, trước nhân dân, trước người nông dân, đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào thành tựu, kết quả chung.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp đã chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. Toàn ngành đã quán triệt và triển khai kịp thời, quyết liệt các Nghị quyết, Kết luận, Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Cần xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực và những kết quả đạt được của các cấp, các ngành, đặc biệt là của ngành Nông nghiệp, các địa phương và sự quyết tâm vượt khó, đổi mới sáng tạo của bà con nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, đã đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước trong năm 2022.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ NN&PTNT và toàn ngành nông nghiệp, nông thôn phải tự tin bản lĩnh, và linh hoạt, chủ động rà soát, nắm bắt tình hình, lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm để tập trung triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể để triển khai các nhiệm vụ, công việc trọng tâm. Cùng với đó, xây dựng thương hiệu, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch, đáp ứng nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Về mục tiêu cụ thể, Thủ tướng yêu cầu, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTXH năm 2023.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nhất là các quy hoạch ngành quốc gia - phải coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Có giải pháp cụ thể để kịp thời tháo gỡ các nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới; Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ cấu lại ngành theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP để góp phần thúc đẩy sản xuất lớn, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển khoa học công nghệ, phát triển các vùng chuyên canh nông sản hàng hoá chất lượng cao trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.
Đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh trong sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các Hiệp định thương mại FTAs, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tiếp tục tháo gỡ rào cản để thâm nhập vào các thị trường mới. Đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
Phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ “Thẻ vàng” trong năm 2023, ngăn chặn và xử lý nghiêm tầu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.
Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, cần chủ động chỉ đạo sản xuất và triển khai công tác phòng, chống thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; Đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam.
Ngành nông nghiệp năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng tin rằng sẽ chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, nước ta trở thành nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Minh An (T/h)