Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cùng chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo sơ kết tình hình một năm thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng sẽ báo cáo nghiên cứu phương án triển khai thực hiện các dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 4 TP.HCM.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vùng này bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, bản quy hoạch như một cơ sở quan trọng để tháo gỡ các điểm nghẽn của vùng Đông Nam Bộ, giống như một chiếc lò xo bị nén lại, nay được bung ra để phát triển và giải phóng nguồn lực.
Quy hoạch xác định xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Vùng này sẽ giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác và đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo đó, vùng Đông Nam Bộ sẽ lấy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và động lực phát triển; chú trọng phát triển kinh tế ban đêm.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới tư duy và tầm nhìn phát triển, tạo các cơ chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để hình thành không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.
Một trong những mục tiêu quan trọng quy hoạch đặt ra là tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh để mở rộng không gian phát triển. Theo đó, gắn kết giữa khu vực đất liền với không gian biển và phát triển hài hòa khu vực đô thị, nông thôn.
Đẩy mạnh xây dựng các hành lang kinh tế, vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông kết nối vùng, liên vùng và quốc tế.
Thiên Trường (t/h)