Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết: “Hôm nay, thực hiện theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Hà Giang và một số tập đoàn, các đơn vị kinh tế có tiềm năng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hà Giang nói riêng và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các tỉnh vùng Đông và Tây Bắc nói chung.
Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư, các liên doanh tiếp tục phối hợp, hợp tác với nhau và với tỉnh Hà Giang để khai thác tiềm năng của địa phương, thế mạnh của doanh nghiệp để phát triển bền vững hơn nữa trong thời gian tới. Dù còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế-xã hội, Hà Giang vẫn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế mà các tỉnh khác không có được".
Với sự đa dạng về bản sắc văn hóa dân tộc, Hà Giang nổi trội về nhiều loại hình du lịch, đặc biệt hấp dẫn với cảnh quan hùng vĩ, giá trị di sản địa chất của Công viên địa chất Đồng Văn đã được UNESCO công nhận là di sản Công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, các danh thắng ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, dãy Tây Côn Lĩnh, mùa hoa tam giác mạch... cùng với nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc.
Tỉnh Hà Giang có 7 huyện biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc, tạo cho Hà Giang phát triển kinh tế biên mậu. Hà Giang có đỉnh Tây Côn Lĩnh, rừng với nhiều loại cây phong phú, trong đó có hàng nghìn loại cây dược liệu quý giá. Đồng thời, phát triển cây công nghiệp đặc sản (chè Shan tuyết được quy hoạch là vùng trọng điểm quốc gia), chăn nuôi (nuôi ong, bò vàng...) được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao.
Ông Triệu Tài Vinh cho biết, kịch bản phát triển tỉnh Hà Giang cơ bản đã nhận được sự đồng tình của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Hà Giang để tìm kiếm cơ hội đầu tư, thể hiện qua việc Hà Giang hợp tác với Công ty TNHH McKinsey Việt Nam để quy hoạch phát triển du lịch; phối họp với Viện Y học bản địa để đánh giá bảo tồn, phát triển dược liệu, quy hoạch sản phẩm dược liệu Hà Giang. Tại hội nghị này, Hà Giang sẽ giới thiệu đến nhà đầu tư 26 danh mục dự án, trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn dự kiến 12.826 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn, ngoài các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư chung của Chính phủ, tỉnh Hà Giang đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, như chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biên mậu, sản xuất nông nghiệp hàng hoá, hỗ trợ đầu tư đối với hoạt động khai thác, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Tỉnh hỗ trợ 50% giá thuê mặt bằng kinh doanh. Các tổ chức đầu tư, sản xuất, chế biến dược liệu được hỗ trợ tối đa 15 tỷ đồng/nhà máy chế biến dược liệu; 50 triệu đồng đăng ký thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/nhà máy sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi... kho, bãi, cơ sở chế biến gia công hàng xuất khẩu tại các cửa khẩu.
Thanh Bình