Tham dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Trước đó, trong chuyến công tác tại tỉnh Hòa Bình, Thủ tướng và đoàn công tác đã tới dâng hương tại Tượng đài Bác Hồ; kiểm tra công tác thi công dự án mở rộng Thủy điện Hòa Bình; thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chố tại xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình; khảo sát dự án, tặng quà người dân tại khu nhà ở xã hội phường Quỳnh Lâm, TP. Hòa Bình; dự lễ khởi công tuyến đường kết nối vùng Hòa Bình, Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình- Mộc Châu); dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình.
Theo báo cáo, năm 2022, Tỉnh ủy Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo thực hiện 04 đột phá chiến lược
Về quy hoạch, tỉnh đẩy nhanh tiến độ công tác lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục thực hiện điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch sử dụng đất 05 năm 2021-2025 cấp tỉnh; phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 10 huyện, thành phố.
Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính; kêu gọi các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại địa bàn; chủ động làm việc với các bộ, ban, ngành Trung ương để tranh thủ sự giúp đỡ về cơ chế, chính sách liên quan tới đầu tư; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với các nhà đầu tư để nắm bắt và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, Hòa Bình tập trung huy động nguồn vốn đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia,...
Nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là một số dự án giao thông trọng điểm. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đẩy mạnh thu hút đầu tư.
Về phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động, tỉnh đẩy mạnh các giải pháp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năng suất lao động đạt khoảng 109,8 triệu đồng/lao động, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2022, tăng trưởng kinh tế Hòa Bình ước đạt 9,03%; GRDP bình quân đầu người đạt 66,7 triệu đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 6.410 tỷ đồng; tổng đầu tư toàn xã hội ước đạt 18.720 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Tỉ lệ đô thị hóa đạt 33,42%; có thêm 6 xã về đích nông thôn mới, tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 55%, số tiêu chí trung bình trên một xã đạt 16 tiêu chí.
Toàn tỉnh có 123 sản phẩm được chứng nhận OCOP; đã xuất khẩu mía tím sang thị trường Mỹ, Nhật Bản; xuất khẩu bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi diễn, nhãn, cam sang EU; xuất khẩu măng sang Nhật Bản, EU, Mỹ.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.437 triệu USD. Tỉ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 51,5%. Đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch, tổng khách du lịch đến tỉnh tăng tăng 98,5% so với năm 2021, đạt 3 triệu lượt.
Hoạt động văn hóa, giáo dục và đào tạo, y tế, lao động, việc làm, truyền thông, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý tài nguyên đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn có bước phát triển, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 59,54%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được cải thiện, công tác phòng chống dịch được chú trọng, nhất là dịch COVID-19. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 12,29%. Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về dân tộc, tôn giáo. Giải quyết việc làm cho 16.400 lao động. Công tác chuyển đổi số được chú trọng.
Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.
Năm 2023, tỉnh đề ra một số chỉ tiêu như tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9%; GRDP bình quân đầu người 70,1 triệu đồng; tổng đầu tư toàn xã hội 20.400 tỷ đồng; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 7.285 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 1,695 tỷ USD; tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 33,45%; năng suất lao động đạt 116,9 triệu đồng/lao động….
Theo Chinhphu.vn