Thủ tướng làm việc với lãnh đạo TP. HCM về kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98
Sáng 10/8, tại TP. HCM Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo thành phố về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu phát biểu ý kiến đi thẳng vào những vấn đề, những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ, những gì làm tốt rồi thì đóng góp ý kiến để làm tốt hơn.
Nhấn mạnh những nhiệm vụ các tháng cuối năm là rất lớn, đặc biệt quan trọng, Thủ tướng yêu cầu hội nghị tập trung thảo luận để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP. HCM, thực hiện mục tiêu Chính phủ đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn.
Đối với TP. HCM, Thủ tướng nhấn mạnh địa phương có vai trò đầu tàu, đóng góp lớn cho cả nước, GRDP của TP. HCM tăng 1% thì đóng góp cho tăng trưởng GDP cả nước 0,18%, thu ngân sách đóng góp 27 - 30%.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ luôn dành nhiều thời gian để tháo gỡ vướng mắc, có những việc phải có quyết tâm chính trị mới làm được. Đối với vướng mắc về pháp luật, định hướng của Chính phủ là dùng một luật sửa nhiều luật, sắp tới sẽ dùng 1 luật sửa 13 luật, trong đó có Luật Đầu tư công, bởi nhiều dự án đầu tư công dù được đôn đốc, chỉ đạo nhưng thủ tục vẫn còn rườm rà.
Với tính chất quan trọng của hội nghị, Thủ tướng yêu cầu hội nghị tập trung đưa ra các đánh giá khách quan, trung thực, rút ra bài học kinh nghiệm để chỉ đạo, lãnh đạo tốt hơn.
Báo cáo tại buổi làm việc về tình hình kinh tế-xã hội TP. HCM 7 tháng đầu năm 2024, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi cho biết, GRDP Thành phố 6 tháng đầu năm ước tăng 6,46% so với cùng kỳ, cao nhất từ năm 2020 đến nay, đóng góp 19,64% vào tốc độ tăng trưởng chung của cả nước.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7 tháng là 309.000 tỷ đồng, đạt gần 64% dự toán năm, tăng gần 17,3% so với cùng kỳ.
Trong tháng 7, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,6%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu tăng 5,9%; chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6,2% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 8,4%. Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao; tổng doanh thu du lịch tăng 15,4%; khách quốc tế đến Thành phố tăng 30,3%; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 20,8% so với cùng kỳ.
Chuyển động bộ máy chính quyền thành phố có nhiều tích cực. Thành phố đã tổ chức đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tập trung tìm cách tháo gỡ các dự án vướng mắc pháp lý để triển khai thực hiện bước đầu mang lại kết quả; tập trung hoàn thành tuyến Metro số 1; tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" xuyên Tết các công trình giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3; Dự án xây dựng nút giao thông An Phú, TP. Thủ Đức; Dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình; Dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50…
Thành phố đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ Quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được tiếp thu, giải trình theo Báo cáo thẩm định quy hoạch; đã hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 trình Bộ Xây dựng.
Đặc biệt, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; đặc biệt, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được tập trung tăng cường, từ đó các loại hình tội phạm giảm mạnh. "Đây là điếm sáng, điểm đáng mừng của TP. HCM", ông Mãi nói.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ông Phan Văn Mãi cho biết TP. HCM sẽ tập trung các giải pháp đột phá: thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng cường tổng mức đầu tư toàn xã hội; thúc đẩy tiêu dùng công, kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường; hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; bảo đảm an sinh xã hội; chuyển đổi số, cải cách hành chính. TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 tăng 7,5%, và năm 2025 tăng 8%.
Về kết quả 1 năm thực hiện kết quả Nghị quyết 98/2023, ông Phan Văn Mãi đánh giá những công việc đã triển khai mang lại hiệu ứng tích cực, nhiều cơ chế đi vào cuộc sống, một số cơ chế đang trong quá trình triển khai. "TP. HCM chủ quan đánh giá những việc triển khai trong năm qua bằng cả nhiệm kỳ", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết sẽ tập trung cao vào các nhiệm vụ chưa triển khai gắn với Nghị định 84/2024 của Chính phủ, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược, nâng tầm Công ty đầu tư tài chính nhà nước (HFIC), phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD), trao đổi tín chỉ carbon, hoàn chỉnh thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với các dự án...
Trong Nghị quyết 98/2023 có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp cần được Chính phủ hướng dẫn nhưng đến nay nghị định về nội dung này chưa được ban hành. Do đó, UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng đôn đốc Bộ Công thương phối hợp UBND TP. HCM đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, trình ban hành nghị định này.
Ngoài ra, TP. HCM cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét các nội dung vướng mắc trong hoạt động mua bán tín chỉ carbon của các chủ dự án, đặc biệt là khi mua bán tín chỉ cacbon ra thị trường nước ngoài.
Thiên Trường (t/h)
Tin mới
Hải Phòng: Học sinh toàn thành phố tiếp tục nghỉ học ngày 9/9 để khác phục hậu quả sau bão
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hải Phòng (GD&ĐT), học sinh toàn thành phố sẽ tiếp tục nghỉ học ngày 9/9/2024 cho đến khi có thông báo mới để các nhà trường tập trung khắc phục hậu quả sau bão; điều kiện an toàn giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường... chưa đảm bảo.
Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Theo thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, vào hồi, 15h30, ngày 08/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Phiên họp Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Hải Phòng có 2 người tử vong và 18 người bị thương do bão số 3
Bão số 3 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Phú Thọ: Thông báo kế hoạch xả lũ hồ chứa nước Ngòi Giành
Ngày 8/9, Công ty TNHH Nhà nước MTV Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ có thông báo kế hoạch vận hành xả lũ hồ chứa nước Ngòi Giành (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ), thời gian dự kiến xả lũ từ 19 giờ 00 phút, ngày 8/9/2024.
Thanh Hoá phát lệnh báo động I trên sông Mã
Chiều 8/9, mực nước sông Mã đang lên nhanh, cảnh báo mực nước sông Mã tại Trạm Thuỷ văn Lý Nhân có khả năng đạt mức báo động I (+9.50m) vào khoảng 18 - 20h ngày 8/9/2024.
Công bố quyết định về công tác cán bộ Trường Đại học Hồng Đức
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác cán bộ Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức; Hội đồng trường công bố Nghị quyết bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2024-2029.
Câu chuyện thương hiệu
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào
Thuơng hiệu Than Hà Lầm với công tác bảo vệ môi trường
Hành trình phát triển thương hiệu của Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị Y tế Hoàng Đức
Thế giới số sẽ chia cổ tức 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu
Vietsovpetro góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam