Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn tại phiên khai mạc hội nghịThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn tại phiên khai mạc hội nghịTrong diễn văn khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Pray-út Chan-ô-cha điểm lại những thành tựu ASEAN đạt được trong năm nay với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững”, góp phần hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân.

Thủ tướng nước chủ nhà cũng nêu ra những vấn đề ASEAN và thế giới phải đối mặt với những thách thức và bất ổn gia tăng; cho rằng, đi đôi với thúc đẩy tăng trưởng, ASEAN cần giải quyết bài toán phát triển nguồn nhân lực và giữ gìn môi trường, chống rác thải đại dương, ô nhiễm không khí, đánh bắt cá trái phép, thúc đẩy bản sắc ASEAN, liên kết, kết nối với bên ngoài.

Cùng với đó là tạo ra một môi trường thuận lợi cho hòa bình và ổn định lâu dài, cùng với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năng động và phát triển bền vững. Thủ tướng Thái Lan đề nghị các bên tiếp tục nỗ lực để kết thúc các cuộc đàm phán về Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay để kích thích tăng trưởng kinh tế cũng như thương mại và đầu tư.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan, sáng 3/11, tại Bangkok, Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 22.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN -  Trung Quốc với hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng khu vực. Các nhà lãnh đạo khẳng định nỗ lực đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, hình thành và tuân thủ các chuẩn mực ứng xử, trong đó có sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cùng nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác.

Các nhà lãnh đạo hoan nghênh quan hệ kinh tế gắn kết chặt chẽ giữa hai bên, với Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 10 năm liên tiếp và cũng là nhà đầu tư hàng đầu của ASEAN. Lãnh đạo hai bên nhấn mạnh cam kết đề cao chủ nghĩa đa phương, ủng hộ tự do hóa thương mại-đầu tư và củng cố hệ thống thương mại đa phương quốc tế công bằng, dựa trên luật lệ, nỗ lực đóng góp hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đúng thời hạn đề ra.

Trên tinh thần tuyên bố Tầm nhìn Đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc 2030 thông qua năm 2018, hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực thuộc quan tâm chung như trao đổi thương mại - đầu tư, trong đó có triển khai hiệu quả Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 2 chiều ở mức 1 nghìn tỉ USD và đầu tư đạt 150 tỉ USD vào năm 2020; tăng cường kết nối, trong đó có gắn kết giữa Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025 và Sáng kiến Vành đai và Con đường; mở rộng giao lưu nhân dân, du lịch; đẩy mạnh hợp tác về đổi mới, sáng tạo, phát triển thương mại điện tử, kinh tế số...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đánh giá của các nhà lãnh đạo về những tiến triển trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc. Thủ tướng khẳng định ASEAN luôn coi trọng vai trò của Trung Quốc đối với các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và ổn định để hợp tác phát triển thịnh vượng khu vực. Thủ tướng ủng hộ việc xác định năm 2020 là năm hợp tác kinh tế số ASEAN - Trung Quốc.

Về Biển Đông, Thủ tướng khẳng định duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới và không gian an ninh, phát triển của khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của mọi quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam về tình hình Biển Đông là rất rõ ràng, nhất quán, đã được bày tỏ nhiều lần tại các diễn đàn ở các cấp.

Thủ tướng khẳng định cần đẩy mạnh các nỗ lực ở cả cấp độ song phương và đa phương đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không để lặp lại các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho các tiến trình xây dựng luật lệ, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết hòa bình các khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và nỗ lực hoàn tất COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Kết thúc hội nghị, hai bên nhất trí thông qua 3 văn kiện gồm Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN - Trung Quốc về Sáng kiến hợp tác thành phố thông minh; Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về Tăng cường trao đổi và hợp tác truyền thông; Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về gắn kết Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Chiều 3/11, tại Bangkok, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc (LHQ) lần thứ 10.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đánh giá cao tầm quan trọng của LHQ và ASEAN trong hợp tác giải quyết các thách thức trên thế giới. Trong bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng, phức tạp, nhiều mối an ninh phi truyền thống, tội phạm mạng, bệnh dịch, biến đổi khí hậu, diễn biến tình hình ở Biển Ðông... hai bên nhấn mạnh nhu cầu hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai; chống tội phạm xuyên biên giới, khủng bố, phát triển bền vững, chống nước biển dâng, ô nhiễm, rác thải nhựa; thúc đẩy hợp tác ASEAN với UNESCO và UNICEF.

Về Biển Ðông, hội nghị đánh giá có những diễn biến đáng lo ngại, cho rằng các hành động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế vừa qua đang ảnh hưởng tiêu cực tới hòa bình, ổn định và an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Ðông; LHQ ủng hộ lập trường ASEAN về Biển Ðông giải quyết các bất đồng bằng đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế. Hội nghị tin rằng với việc In-đô-nê-xi-a và Việt Nam là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ năm 2020, ASEAN và LHQ sẽ gia tăng hơn nữa hợp tác, góp phần thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Thay mặt các nước ASEAN, Chủ tịch ASEAN 2019 Thái Lan phát biểu ghi nhận nỗ lực hiện thực hóa 93% mục tiêu trong kế hoạch hành động ASEAN - LHQ, hướng tới thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và SDG 2030; cảm ơn LHQ đã hỗ trợ, khai trương trung tâm nghiên cứu và đối thoại bền vững.

Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, đánh giá cao những thành tựu ASEAN đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên cho rằng vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để không ai bị bỏ lại phía sau. Tổng Thư ký LHQ khẳng định, LHQ sẵn sàng hỗ trợ ASEAN, mong muốn ASEAN tiếp tục mục tiêu phát triển bền vững.

Về biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi cắt giảm 45% lượng khí thải nhà kính, đánh thuế các-bon, không xây dựng nhà máy nhiệt điện dùng nhiên liệu hóa thạch; nhắc lại cam kết các quốc gia phát triển cung cấp 100 tỷ USD để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

 PV