Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ Thông xe kỹ thuật công trình cầu Hoàng Văn Thụ (Ảnh: QN)
Cầu Hoàng Văn Thụ thuộc Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm do ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hải Phòng làm chủ đầu tư.
Công trình Xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ là một hạng mục quan trọng của Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Dự án trên bao gồm: xây dựng cầu Hoàng Văn Thụ, xây dựng hệ thống đê tả sông Cấm, xây dựng hệ thống kè sông Cấm, xây dựng hệ thống giao thông chính và hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ cho toàn bộ khu vực Bắc sông Cấm với quy mô 1.445,51ha.
Lễ Thông xe kỹ thuật công trình cầu Hoàng Văn Thụ (Ảnh: QN)
Công trình cầu Hoàng Văn Thụ là cây cầu hiện đại, một trong những công trình trọng điểm của thành phố thực hiện theo Nghị quyết 32 và Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Cầu có thiết ấn tượng, tạo sự kết nối giao thông, phát triển mở rộng thành phố về phía Bắc. Sự kiện thông xe kỹ thuật cầu Hoàng Văn Thụ có ý nghĩa quan trọng trong triển khai Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm nhằm góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống trung tâm thành phố mới theo định hướng phát triển không gian đô thị và theo điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009.
Công trình cầu Hoàng Văn Thụ được xây dựng trên địa bàn các quận: Hồng Bàng, Ngô Quyền và huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Cầu Hoàng Văn Thụ là công trình giao thông cấp đặc biệt.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: QN)
Cầu Hoàng Văn Thụ gồm cầu chính được thiết kế theo tiêu chuẩn đường trục chính đô thị (QCVN 07-4: 2016), có tốc độ thiết kế 80km/h. Cầu nhánh phía Nam (bên nội thành) có tốc độ thiết kế 40 km/h. Cầu nhánh phía Bắc (bên huyện Thuỷ Nguyên) có tốc độ thiết kế 50 km/h. Các đường nhánh cầu ở phía Bắc giao với đường đê bắc sông Cấm (nhánh 3, nhánh 4) có tốc độ thiết kế 30 km/h. Đường song hành hai bên cầu phía bờ Bắc có tốc độ thiết kế 50 km/h.
Cầu chính cầu Hoàng Văn Thụ là dạng cầu vòm chạy giữa ống thép nhồi bê tông, nhịp chính 200m là nhịp lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Công trình cầu có kết cấu phức tạp, lần đầu tiên áp dụng công nghệ thiết kế tiên tiến, hiện đại.
Cầu chính có chiều dài là 290m, đảm bảo tĩnh không thông thuyền là 125x25m, dạng kết cấu cầu vòm chạy giữa có thanh treo, vành vòm dạng ống thép nhồi bê tông. Phần cầu chính kết cấu thép nặng hơn 5.000 tấn (đốt vòm hợp long nặng 527 tấn). Bề rộng mặt cắt ngang cầu là 33.5m đảm bảo 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và lề đi bộ hai bên.
Kết cấu các nhánh cầu dẫn phía nam gồm hai cầu nhánh đối xứng dạng vòng xoay hai tầng, kết nối xuống đường ven sông Cấm; sử dụng kết cấu dầm bản rỗng bê tông cốt thép dự ứng lực đổ tại chỗ, chiều cao dầm là 1,45m, chiều dài mỗi nhánh: 479,06 m, bề rộng cầu là 12,8m. Kết cấu cầu dẫn phía Bắc sử dụng dầm Super T cho phần chính tuyến và dầm bản rỗng đúc tại chỗ trên đà giáo cho các nhánh rẽ. Chiều dài nhánh 1: 212,9m, Chiều dài nhánh 2: 247,9m. Bề rộng cầu thay đổi từ 8,9m~9,5m.
Để thuận tiện cho người đi bộ, ngoài cầu thang bộ, cầu được thiết kế lắp đặt 2 thang máy tại vị trí 2 bên đầu cầu phía nội thành. Tổng mức đầu tư của công trình cầu Hoàng Văn Thụ là 2.173 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách thành phố.
Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ cũng cảm ơn sự ủng hộ của người dân và ghi nhận sự cố gắng của Hải Phòng trong thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng và huyện Thủy Nguyên quan tâm xử lý chế độ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân đã bàn giao đất cho dự án.
PV