Đây là thông tin được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 vào sáng 6/1/2025.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, năm 2024, tầm nhìn và tư duy chiến lược về đối ngoại cùng các quyết sách, định hướng chiến lược và sự tham gia trực tiếp vào các hoạt động đối ngoại của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là việc nâng cấp, nâng tầm quan hệ với các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, đã tạo chuyển biến căn cơ về cục diện đối ngoại của nước ta.

Nhờ đó, công tác đối ngoại ngày càng được nâng tầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, tạo đồng thuận ngày càng cao và đạt nhiều bước phát triển mới trong các lĩnh vực đối ngoại song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, công tác đối ngoại ngày càng được nâng tầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, tạo đồng thuận ngày càng cao và đạt nhiều bước phát triển mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, công tác đối ngoại ngày càng được nâng tầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, tạo đồng thuận ngày càng cao và đạt nhiều bước phát triển mới. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Đặc biệt, ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá năm 2024, trên thế giới, các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn, khó lường hơn. Song xu hướng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo, dòng chảy chính, đây là cơ hội để chúng ta "biến nguy thành cơ". Khoa học công nghệ, chuyển đổi số đang trở thành lực lượng sản xuất mới, mở ra cơ hội phát triển bứt phá cho các nước. Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phát triển năng động nhất thế giới, song cũng là địa bàn cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn.

Ở trong nước, Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế. Trong bối cảnh khó khăn, thách thức, chúng ta vẫn vượt lên, ổn định, phát triển và thu nhiều thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sự đoàn kết, trưởng thành của đội ngũ cán bộ, sự quyết đoán, ứng biến linh hoạt trong những thời khắc quan trọng. 2024 đã trở thành năm đầu tiên trong nhiều năm chúng ta đạt và vượt tất cả 15/15 chỉ tiêu đề ra.

Đặc biệt, Việt Nam trở thành điểm sáng về tăng trưởng của khu vực và thế giới (trên 7%) với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của đầu tư, kinh doanh quốc tế, nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới với gần 40 tỷ USD đăng ký, vốn thực hiện đạt gần 25 tỷ USD; mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt 2 con số, cao nhất khu vực; xuất nhập khẩu ước đạt 786 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ước đạt 17,6 triệu lượt, tăng 39,5% so với năm 2023.

Cùng với đó, tinh thần khởi nghiệp, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được khơi dậy mạnh mẽ; các đột phá chiến lược đạt được các kết quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định, văn hóa – xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được làm tốt hơn, hiệu quả hơn; không để ai bị đói, bị rét, bị thiếu ăn, thiếu mặc, không để học sinh không có trường lớp, không để người bệnh không có nơi chữa bệnh; khắc phục hậu quả bão Yagi kịp thời, hiệu quả. Chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, chỉ số phát triển bền vững tăng 1 bậc, tinh thần tương thân, tương ái, tình dân tộc, nghĩa đồng bào được phát huy mạnh mẽ, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước được nâng lên.

Giữ vững, củng cố và tăng cường trên 3 khía cạnh nổi bật

Về kết quả công tác đối ngoại năm 2024, Thủ tướng đánh giá trong các thành tựu chung của cả nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành ngoại giao với nhiều kết quả nổi bật, có thể khái quát ở 3 khía cạnh là giữ vững, củng cố và tăng cường.

Thủ tướng đánh giá trong các thành tựu chung của cả nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành ngoại giao với nhiều kết quả nổi bật - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng đánh giá trong các thành tựu chung của cả nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành ngoại giao với nhiều kết quả nổi bật. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Thứ nhất, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cho phát triển. Xử lý hài hòa, ổn thỏa một số vấn đề phát sinh nổi lên trong quan hệ với các đối tác quan trọng. Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh.

Thứ hai, tiếp tục củng cố tin cậy chính trị và nâng cấp quan hệ với các đối tác, tạo cục diện đối ngoại thuận lợi.

Thứ ba, không ngừng tăng cường mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn hoạt động ngoại giao, thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao công nghệ, ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài...

Để đạt được những kết quả nêu trên, Thủ tướng đánh giá cao công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành ngoại giao trong năm vừa qua và việc Bộ Ngoại giao đã xây dựng Chiến lược xây dựng và phát triển ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 theo hướng chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại.

Đạt những kết quả đột phá, thiết thực hơn nữa, tiếp tục là điểm sáng

Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chúng ta vừa phải "tăng tốc, bứt phá", hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII; vừa chạy vừa xếp hàng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; tổ chức tốt các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm thành lập Đảng, 80 năm thành lập Nước, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Thủ tướng, bên cạnh những thuận lợi, công tác đối ngoại, ngoại giao cũng có nhiều thách thức, như làm thế nào để đưa đất nước vào bối cảnh thuận lợi nhất, vị trí tối ưu nhất trong cục diện và trật tự mới đang định hình, thích ứng linh hoạt trước mọi biến động bên ngoài; làm thế nào để tiếp tục giữ vững cục diện đối ngoại rộng mở, xử lý quan hệ hài hòa, cân bằng với các nước lớn, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược diễn ra gay gắt; làm thế nào để xử lý hiệu quả đồng thời hai mục tiêu chiến lược là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; làm thế nào khai thác hiệu quả các thỏa thuận, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phục vụ phát triển kinh tế nhanh, bền vững…

Để góp phần thực hiện các mục tiêu năm 2025 của cả nước, tạo đà, tạo lực, tạo thế, tạo niềm tin và tăng cường, củng cố hy vọng của nhân dân, doanh nghiệp, bạn bè quốc tế, với quan điểm coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng lúc, Thủ tướng đề nghị toàn ngành ngoại giao tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Thủ tướng mong muốn ngành ngoại giao chủ động, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong nắm bắt tình hình thế giới, khu vực và sở tại để tham mưu Đảng, Nhà nước có phản ứng chính sách linh hoạt, phù hợp, hiệu quả - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng mong muốn ngành ngoại giao chủ động, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong nắm bắt tình hình thế giới, khu vực và sở tại để tham mưu Đảng, Nhà nước có phản ứng chính sách linh hoạt, phù hợp, hiệu quả .Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Thứ nhất, mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể.

Thứ hai, giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, đặc biệt là các nước lớn, nước láng giềng và các nước bạn bè truyền thống.

Thứ ba, hoạt động ngoại giao phải góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới trong bối cảnh mới như chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghiệp internet và internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới…

Thứ tư, hoàn thành việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, sắp xếp bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; củng cố, tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.

Thứ năm, xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, củng cố, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất trong và ngoài nước của ngành ngoại giao.

PV/baochinhphu.vn