Bộ NN&PTNT là Bộ đầu tiên được tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ của năm mới ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01 năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương lãnh đạo Bộ, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đã "miệng nói tay làm, kề vai sát cánh, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, hiệu quả, đề xuất kịp thời và chỉ đạo có uy tín, trách nhiệm". Do đó, tăng trưởng của ngành đã tăng tới 3,76%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt trên 40 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm ngoái. Thặng dư thương mại đạt trên 8,7 tỷ USD. Điều quan trọng nhất là đời sống người dân được nâng lên. Đây mới là điều quan trọng nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, nhờ tái cơ cấu đúng hướng nên nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn đã xuất hiện ở Việt Nam. Cùng với đó là 18 nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp mới đi vào hoạt động. Hiện, ở Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng thứ 2 sau Thái Lan về xuất khẩu nông sản. Còn ở trong nước, hơn 1.000 chuỗi cho hơn 1.400 sản phẩm an toàn để cung cấp nông sản sạch cho người dân đã được hình thành, nên sử dụng thực phẩm sạch giờ không còn chỉ ở trên truyền thông mà đã đi vào thực tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt câu hỏi, ngành sẽ làm gì để bứt phá trong năm nay nhằm đạt tăng trưởng cao hơn như yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa Chính phủ với các địa phương vào cuối tuần qua. Trên tinh thần đó, Thủ tướng chính thức đặt ra mục tiêu rất cao đối với ngành nông nghiệp là phải khơi gợi được khát vọng dân tộc, phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào tốp 10 của thế giới. Trong đó, Việt Nam sẽ là trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới và cũng là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới.
Để đạt được những mục tiêu rất cao này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Nông nghiệp phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến. Tiếp đó, phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn mô hình tăng trưởng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm chủ lực của địa phương. Ngành Nông nghiệp cũng phải làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cả cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu trong nông nghiệp, từ gạo đến tôm, đến giống lúa, cá tra.
Bên cạnh đó, ngành này cũng phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo. Trong đó, 2 lĩnh vực cần tập trung là công tác xây dựng thể chế chính sách pháp luật và cán bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu sau Hội nghị này, toàn ngành Nông nghiệp phải có quyết tâm và ý chí cao hơn để thực hiện vượt các chỉ tiêu đã đề ra.
Hằng Vương (t/h)