Thủ tướng Magdalena Andersson đưa ra nhận định trên trong một cuộc họp báo ngày 08/03, ám chỉ rằng những nỗ lực gia nhập NATO sẽ "tác động tiêu cực" tới tình hình an ninh ở Ukraine.

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Ảnh Getty
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. Ảnh Getty.

Bà Magdalena Andersson cho biết, bà không muốn đưa Thụy Điển vướng vào cuộc xung đột ở Ukraine. Theo Thủ tướng Thụy Điển, nước này đã cung cấp các thiết bị quân sự và sẽ tìm kiếm thêm các biện pháp để hỗ trợ Ukraine, chẳng hạn như tăng cường khả năng ngăn chặn các cuộc tấn công mạng nhưng Stockholm sẽ không liều lĩnh tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột.

Thụy Điển và Phần Lan gần đây đã gửi một bức thư chung tới các thành viên khác của EU để nhắc nhở về điều khoản phòng thủ chung trong Hiệp ước Lisbon, theo đó yêu cầu các nước EU hỗ trợ lẫn nhau nếu "một thành viên trở thành mục tiêu của một cuộc tấn công vũ trang trên lãnh thổ của mình".

Điều khoản này có mục đích tương tự như Điều 5 Hiệp ước NATO với nguyên tắc cuộc tấn công vào một thành viên NATO được coi như cuộc tấn công vào toàn liên minh và sẽ bị đáp trả tương xứng.

Các quốc gia EU, trong đó có Thụy Điển, đã bị Nga đưa vào danh sách “các quốc gia không thân thiện" ngày 07/03 sau khi khối này áp các biện pháp trừng phạt lên Moscow vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Theo VOV.vn