![Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài kiểm tra tiến độ dự án Cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão. (Ảnh: HN) Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài kiểm tra tiến độ dự án Cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão. (Ảnh: HN)](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/06/11/a1-22-1654865704510-1654937281.jpg)
Thông tin từ UBND Thừa Thiên Huế, tỉnh này vừa ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống lụt bão năm 2022 nhằm đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt góp phần đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, theo kế hoạch từ ngày 01/9 đến ngày 15/12 tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền phục vụ cứu trợ cho nhân dân khi có thiên tai, bão lụt xảy ra. UBND tỉnh giao sở Công Thương tùy theo diễn biến tình hình thời tiết để chọn thời điểm dự trữ, thời hạn dự trữ phù hợp; chủ động nắm tình hình dự trữ các mặt hàng nước uống đóng chai, muối ăn, xăng dầu tại các doanh nghiệp trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh điều động cứu trợ khi cần thiết.
Về phương thức hỗ trợ, sẽ hỗ trợ lãi suất vay trên giá vốn do Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1099/NHNN-TD ngày 26/02/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đối với hỗ trợ chi phí lưu kho, bảo quản hàng hóa quy định: Chi phí lưu kho, bảo quản: 50 đồng/kg/tháng; Chi phí hao hụt: 0,3% giá trị hàng dự trữ. Ước tổng giá trị hỗ trợ: 150-170 triệu đồng.
Các doanh nghiệp tham gia bên cạnh được hỗ trợ về lãi suất vay ngân hàng trên giá vốn, chi phí dự trữ, bảo quản, phải có nghĩa vụ tổ chức dự trữ lượng hàng hóa theo quy định, đảm bảo chất lượng…
Đối với các hành vi không thực hiện đúng cam kết, hợp đồng về số lượng, chất lượng hàng hóa, không được xét nhận kinh phí hỗ trợ và bị truy thu các khoản kinh phí hỗ trợ liên quan đã được nhận; đồng thời sẽ không được tham gia các chương trình dự trữ hàng hóa phòng chống lụt bão của tỉnh trong 2 năm tiếp theo, kể từ năm vi phạm.
![Thừa Thiên – Huế dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền phục vụ cứu trợ cho nhân dân khi có thiên tai, bão lụt xảy ra Thừa Thiên – Huế dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền phục vụ cứu trợ cho nhân dân khi có thiên tai, bão lụt xảy ra](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/06/11/121176910-644261846235490-2062994152521560721-o-1654937257.jpg)
Chủ động phòng, chống thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản
Trước đó, ngày 10/6, tại buổi làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai đã đánh giá cao công tác phòng chống thiên tai, bão lũ của Thừa Thiên Huế. Đặc biệt ghi nhận kết quả mà tỉnh đã đạt được là địa phương đứng đầu toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai năm 2021. Địa phương đã bảo vệ tốt cho sản xuất và sinh hoạt đời sống của người dân.
![Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai làm việc với UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai năm 2022. (Ảnh: NM) Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai làm việc với UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai năm 2022. (Ảnh: NM)](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2022/06/11/a2-19-1654865729796-1654937336.jpg)
Qua đó, ông Trần Quang Hoài cũng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai các cấp. Đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, tỉnh cần rà soát, bổ sung và xây dựng mới các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn; làm tốt công tác chỉ đạo vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương; xây dựng các bản đồ sạt lở, bản đồ rủi ro thiên tai, thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng công trình giao thông, đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển...
Cũng trong buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hoàng Hải Minh đã đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia, các Bộ ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí tiêu úng, sửa chữa các công trình thủy lợi nội đồng cho các địa phương để ổn định sản xuất; tiếp tục hỗ trợ phương tiện, vật tư cho các lực lượng quân đội, công an, các đơn vị và địa phương nhằm chủ động ứng cứu tại chỗ khi thiên tai xảy ra; tăng cường hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, lắp đặt hệ thống quan trắc cảnh báo thiên tai nhất là lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, trước hết là tại các đơn vị, địa bàn trọng điểm có nguy cơ sạt lở...
Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021 cho tỉnh Thừa Thiên Huế với kinh phí 60 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022 (đợt 1) cho 2 dự án đủ điều kiện, gồm dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp đoạn Thuận An-Tư Hiền và Công trình xây lắp đoạn 140m kè chắn cát phía nam cửa biển Thuận An với tổng số kinh phí 50 tỷ đồng. Đối với phần vốn 10 tỷ đồng còn lại, UBND tỉnh đã sẽ phân bổ cho dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận (huyện Phú Vang).
Minh An (T/h)