Nước lũ dâng cao nhiều trục đường ở TP Huế
Được biết, tại TT Huế đã có mưa rất to trên diện rộng, vùng biển có gió cấp 5, giật cấp 6, triều cường, sóng cao nên mực nước tại Đập Thảo Long luôn duy trì ở mức +1,8m đến +2,12m làm nước trên các sông thoát lũ chậm.
Trên sông Bồ, tại Phú Ốc: +5,24 m, trên báo động III là 0,74m, vượt đỉnh lũ lịch sử 1999 (+5,18m) là 0,06m, sông Hương đạt đỉnh lúc 0h ngày 12/10 với mức 4.17m. Mưa lũ làm hơn 70% tuyến đường của 27 phường TP Huế bị ngập bình quân 0,4-0,6m
Phường Vỹ Dạ- Huế
Mực nước các hồ thủy điện Tả Trạch: +44,74m (mực nước dâng bình thường +45m), hồ thủy điện Bình Điền: +83,54m(mực nước dâng bình thường +85m), hồ thủy điện Hương Điền: +57,71m (mực nước dâng bình thường +58m), hồ thủy điện A Lưới:+552,93m (mực nước dâng bình thường +553m).
UBND Thị xã Hương Thuỷ đến thăm gia đình người bị nạn
Mưa lũ đã làm 9 người chết (trong đó có trường hợp thương tâm là chị Hoàng Thị Phượng sinh năm 1985. Thường trú tại phường Hóp, xã Phong An, huyện Phong Điền, đang mang thai có dấu hiệu trở dạ được người nhà thuê người dân đánh cá chở ghe đi sinh, khi cách Quốc lộ 1A khoảng 20m thì bị lật ghe, chị Phượng bị nước cuốn trôi, mất tích tại khu vực thôn Đông lâm, xã Phong An vào khoảng 8h30 ngày 12/10. Đến 13h15 ngày 12/10 thì tìm thấy thi thể). Có 7 người bị thương đều ở huyện Phong Điền.
Các sư thầy chùa Pháp Hải tham gia Cứu hộ, cứu trợ người bị lũ lụt
Trong đợt lũ đặc biệt lớn này trên địa bàn tỉnh có 84.963 ngôi nhà bị ngập, trong đó nhiều nhà bị ngập sâu từ 1,0-2,5m, một số nơi cao hơn. Toàn tỉnh phải di dời 12.075 hộ với 37.190 nhân khẩu lên vùng cao
Có 01 nhà bị sập (Huyện Phong Điền), 26 nhà hư hỏng (Phú Lộc 3, A Lưới 23).
Lực lượng chức năng giúp người dân chạy lũ.
Về rau màu, toàn tỉnh có hàng trăm ha hoa màu và hàng nghìn ha nuôi trồng thuỷ hải sản bị ngập, hư hại nặng. Hơn10 km bờ biển bị sạt lở nặng, trong đó xã Giang Hải hơn 3,5 km; xã Phú Thuận hơn 2,5 km; xã Phú Diên hơn 2 km; xã Phú Hải khoảng 1,5 km và xã Hải Dương khoảng 1 km.
Bờ sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà bị sạt lở khoảng 100 m; Tuyến đê Nho Lâm – Nghĩa Lộ đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền bị sạt lở khoảng 300m. Nhiều công trình thuỷ lợi, đê điều ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới bị hư hỏng hay bị bồi lấp. Như Kênh mương thủy lợi Kim Sơn, xã Hồng Kim bị san lấp 200 m. Đập dâng Khe Triết (Đông Sơn) bị trôi hoàn toàn. Đập thủy lợi thôn A Roàng 2 (xã A Roàng) bị hư hỏng nặng. Đường ống thủy lợi thôn Ka Lô và các thôn khác (xã A Roàng) bị hư hỏng nặng. Đập thủy lợi A Tin; đập thủy lợi Chi Hòa bị bồi lấp hoàn toàn. Hồ thủy lợi A Lá (huyện A Lưới) bị sạt lở ...
Đưa người dân lên vùng cao
Về điện lực đến ngày 14/10, Điện lực Thừa Thiên Huế đã khôi phục cung cấp cho trên 60% khách hàng, đảm bảo an toàn. Các vùng ngập nước ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc và một số khu vực thành phố Huế vẫn bị mất điện.
Nguồn điện từ Quảng Trị vào A Lưới tê liệt từ tối 8/10 do sập cột lưới điện Quảng Trị. Nguồn từ Huế lên đang bị sự cố đoạn Bốt Đỏ - Hương Nguyên, hiện đang tiến hành khắc phục.
... chèo thuyền đicứu trợ người dân tại phường Vỹ Dạ- Huế
Hiện tại trên địa bàn toàn tỉnh, nước lũ đang rút chậm, nhiều khu vực vẫn còn bị chia cắt chưa thể lưu thông được. Nhiều tuyến đường các huyện Quảng Điển, Nam Đông vẫn còn ngập sâu từ 0,6m đến hơn 01m
UBND tỉnh TT Huế đã chỉ đạo xuất cấp 35.200 thùng mì tôm, 18 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo để cứu trợ khẩn cấp người dân. Đồng thời ngày12/10/2020, UBND tỉnh TT Huế đã có Tờ trình đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 1.000 tấn gạo, 02 tấn lương khô, 10.000 thùng mỳ ăn liền, 20 tấn hóa chất benkocid và một số vật tư thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Trần Minh Tích