Kế hoạch nâng cao chất lượng PCTN của tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung vào các nội dung: Xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN- khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”; Kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ việc, vụ án tham nhũng; xử lý, ngăn chặn phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác PCTN.
Được biết, kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.. trong công tác phòng, chống tham nhũng; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.. nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN thực sự trong sạch, có phẩm chất, năng lực, trình độ, có bản lĩnh, có dũng khí đấu tranh PCTN; trung thực, liêm chính, chí công vô tư.
Phải nói rằng, so với nhiều địa phương khác thì Thừa Thiên Huế không có những vụ “đại án” về tham nhũng. Tuy nhiên, những vụ tham nhũng vặt, xây dựng những đường dây tham nhũng thì không hiếm. Như báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian 1 năm qua (từ ngày 1/8/2020 đến ngày 31/7/2021) các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh không phát hiện tham nhũng qua hoạt động thanh tra, chỉ có những vụ nhỏ xử lý nội bộ như vụ thu tiền viện phí nhưng không nộp đủ ở Trung tâm Y tế huyện Nam Đông; vụ thu tiền cho thuê mặt bằng để ngoài sổ sách của Chủ tịch phường Phú Hậu…
Tuy nhiên, khi các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hay Thanh tra Chính phủ vào cuộc đã chỉ ra hàng loạt vụ sai phạm tại Thừa Thiên Huế. Cụ thể, sai phạm tại Đoạn Quản lý đường thủy nội địa thuộc Sở Giao thông Vận tải; cán bộ lao động - thương binh và xã hội phường Phú Hòa (TP. Huế); sai phạm xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới; bán nhà sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP tại 46 Hồ Xuân Hương (TP. Huế); sai phạm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực lăng mộ Tuy Lý Vương; việc góp vốn liên doanh tại khách sạn Thuận Hóa; góp vốn liên doanh tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển du lịch Thuận An; có dấu hiệu tiêu cực tại Công ty liên doanh khách sạn bờ sông Thanh Lịch; vụ việc bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước tại 135 Huỳnh Thúc Kháng (TP. Huế); vụ tham ô ở Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng huyện Phú Vang; vụ Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư – Dịch vụ việc làm Ban Quản lý Chân Mây – Lăng Cô; vụ cán bộ Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Phong Điền…
Thanh tra Chính phủ thì nêu những sai phạm như vụ bán chỉ định Lô đất A7, TP Huế cho ông Huỳnh Cư, Bí thư Thành ủy TP Huế; những sai phạm trong quản lý sử dụng đất sau cổ phần hóa của Công ty Cổ phần In tại 57 Bà Triệu, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Đầu tư tại 93 An Dương Vương, Công ty Cổ phần Du lịch Hương Giang tại 101 Hùng Vương, Công ty Cổ phần Thương mại Huế tại 209 đường Trần Hưng Đạo, Công ty Cổ phần Xây lắp Thừa Thiên Huế tại 23 Hà Nội và số 9 Phạm Văn Đồng; vụ sai phạm tại xã Thuỷ Thanh … Hay mới đây Công an tỉnh Thừa Thiên Huế liên tiếp phát hiện, truy tố, bắt giữ nhiều vụ tham ô như ở Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài; vụ đường dây tham nhũng ở Văn phòng Đăng ký Đất đai TP Huế,…
Hy vọng rằng với kế hoạch nâng cao chất lượng PCTN, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có những đổi mới trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa PCTN hiệu quả. Trong đó, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ được xác định cụ thể khi xảy ra tham nhũng, không còn tình trạng “ăn chia”, tham nhũng,… những khi sự việc vỡ lỡ thì đổ cho cơ chế
Trần Minh Tích