Theo đó, ngày 23/4/2020, UBND tỉnh TT Huế đã ban hành Kế hoạch hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thừa Thiên Huế rất quan tâm phát triển Chính phủ điện tử
Kế hoạch chỉ rõ từ nay đến cuối năm 2020: Phấn đấu trên 90% số lượng doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh; Rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống còn tối đa không quá 120 ngày; Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng xuống còn tối đa không quá 63 ngày; Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất xuống còn tối đa không quá 20 ngày (giảm 10 ngày so với chỉ tiêu của cả nước). Rút ngắn thủ tục giải quyết miễn, giảm thuế không quá 20 ngày; kiểm tra trước hoàn thuế không quá 40 ngày; giải quyết thủ tục miễn, giảm thu tiền sử dụng đất và miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước chỉ 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Dự án Goldland Plaza (ngã tư Đống Đa- Lý Thường Kiệt) sẽ đưa vào hoạt động trong thời gian đến
Phấn đấu 100% thủ tục hành chính được đưa vào tiếp nhận và giải quyết theo chế độ một cửa, một cửa liên thông tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của các xã, thị trấn. 100% các cơ quan hành chính có hệ thống mạng thông tin nội bộ, các văn bản, tài liệu chính thức (trừ các văn bản không chuyển qua mạng theo quy định) trao đổi giữa các cơ quan hành chính được giao dịch hoàn toàn dưới dạng điện tử. Phấn đấu đạt 98% doanh nghiệp khai thuế và nộp thuế qua mạng điện tử. 50% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 100% hồ sơ khiếu nại, vướng mắc của doanh nghiệp được giải quyết đúng theo thời gian quy định của pháp luật. Hỗ trợ phát triển 5-10 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Duy trì vị trí dẫn đầu về Chính phủ điện tử; phấn đấu nằm trong nhóm địa phương có Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt hoặc khá; đưa vào vận hành ít nhất ba sáng kiến/năm trong hoạt động quản lý và điều hành kinh tế địa phương.
Cũng trên tinh thần kích cầu, tăng khả năng cạnh tranh, phục hồi kinh tế đó, tỉnh TT Huế cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã làm ngành Du lịch bị thiệt hại nặng, tuy nhiên đây lại là thời gian “vàng” để ngành du lịch tự làm mới lại mình.
Qua ghi nhận thực tế, trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (từ tháng 2 - 4/2020), nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ như tiến hành cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị tiện nghi và đào tạo nguồn nhân lực. Các đơn vị lữ hành cũng có nhiều hoạt động để chuẩn bị cho thời gian hoạt động sau dịch như nghiên cứu sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết để nghiên cứu thị trường mới; xây dựng kế hoạch xúc tiến cho giai đoạn tới...
Du lịch đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho "hậu Covid-19"
Để chuẩn bị cho giai đoạn “hậu Covid-19”, ngành Du lịch TT Huế đã xây dựng các kịch bản phục hồi và các giải pháp kích cầu tương ứng; đồng thời xây dựng các bộ tiêu chí về du lịch an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 (gồm các tiêu chí về cơ sở lưu trú an toàn, điểm du lịch/tham quan an toàn, dịch vụ lữ hành an toàn) nhằm khẳng định mức độ an toàn và thu hút khách du lịch trở lại Huế.
Khi dịch bệnh Covid-19 trong nước được khống chế và Chính phủ nới lỏng các hoạt động thì các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, kinh doanh lữ hành phải nhanh chóng triển khai các gói kích cầu của đơn vị mình, triển khai các chương trình kích cầu du lịch của tỉnh cũng như giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới của địa phương. Trong đó tập trung vào lượng khách nội địa vì khách quốc tế khả năng vẫn phải kiểm soát chặt vì dịch bệnh.
Trần Minh Tích