Theo đó, Thừa Thiên Huế hiện có 24 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) thuộc các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, và thị xã Hương Trà. Người DTTS chiếm tỷ lệ 4,93% so với dân số toàn tỉnh, bao gồm các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Pa Hy và một số dân tộc khác. Trong những năm qua, công tác phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số luôn được các cấp ủy, các ngành, các cấp quan tâm. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Về chế độ, chính sách ưu tiên trong quy trình tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức là người DTTS, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quán triệt và triển khai thực hiện các chế độ, chính sách ưu tiên trong tuyển dụng, sử dụng, chuyển ngạch, nâng ngạch, thi và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chính sách tạo nguồn cán bộ đối với công chức, viên chức là người DTTS đảm bảo theo các văn bản quy định của Trung ương. Việc nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức là một trong những bước quan trọng để từng bước chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS để bố trí, bổ nhiệm phù hợp.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCCVC ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và cán bộ, công chức, viên chức người DTTS nói riêng luôn được cấp uỷ, chính quyền địa phương quân tâm, tạo điều kiện nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra trong tình hình mới, chú trọng ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới, cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành và các đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh rà soát, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; trong đó, chú trọng cán bộ trong quy hoạch người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ có đầy đủ phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Tính đến tháng 6/2024, tỉnh Thừa Thiên Huế có 1.597 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số/27.500 tổng số biên chế được giao, chiếm tỉ lệ 5,8%.

Công tác quy hoạch cán bộ là người DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, thường xuyên bổ sung, đưa vào quy hoạch những cán bộ là người DTTS có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, chuyên môn nghiệp vụ cao và uy tín trong cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tại một số địa phương có số lượng người dân tộc thiểu số đông, số lượng cán bộ, công chức, viên chức được quy hoạch chiếm tỉ lệ cao. Cụ thể, tại UBND huyện A Lưới, tổng số cán bộ cấp huyện được quy hoạch 307 người, trong đó, cán bộ người DTTS được quy hoạch vào các chức danh 180 người, chiếm 58,6%. Tổng số cán bộ cấp xã được quy hoạch là 606 người, trong đó cán bộ DTTS được quy hoạch vào các chức danh 519 người, chiếm 85,6%.

Công tác quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với công chức, viên chức là người DTTS được thực hiện theo quy định của Trung ương và các văn bản cụ thể hóa tại địa phương. Trong đó, tỉnh đã có cơ chế riêng về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với công chức, viên chức là người DTTS thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát huy năng lực người học sau đào tạo theo từng khóa đào tạo, bồi dưỡng, nhất là các khóa đào tạo, bồi dưỡng về công tác dân tộc, tiếng dân tộc. Đồng thời có kế hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho số cán bộ là người DTTS đi đào tạo cơ bản, chính quy, để có đội ngũ cán bộ nguồn vững chắc cho những nhiệm kỳ tiếp theo.

Được biết, với sự đầu tư nghiêm túc tình hình kinh tế- xã hội của 02  huyện miền núi A Lưới và Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sự chuyển biến tích cực. Ngày 22/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 702/QĐ-TTg, công nhận huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thoát nghèo năm 2024 và đưa ra khỏi Danh sách huyện nghèo Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025

Với huyện miền núi Nam Đông, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình KT-XH trên địa bàn tiếp tục chuyển biến tốt, một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng đạt và vượt kế hoạch đề ra, nổi bật: so với cùng kỳ, tổng giá trị sản xuất đạt 36,6% kế hoạch, tăng 8,1%; Tổng giá trị đầu tư toàn xã hội là 253 tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch, tăng 8,7%; Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 28 tỷ đồng, đạt 93,3% kế hoạch tỉnh và HĐND huyện giao… lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được triển khai thực hiện tốt; công tác chăm lo đời sống nhân dân, nhất là đời sống bà con dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm; có 2 xã hoàn thành hồ sơ xây dựng NTM; các dự án, công trình trọng điểm triển khai đảm bảo tiến độ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục duy trì ổn định.

Huyện Nam Đông hiện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng việc triển khai trồng quế nguyên liệu; tạo điều kiện thuận lợi để các dự án trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thi công; Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành chính công, nâng cao chỉ số người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính; triển khai thực hiện tốt các chương trình trọng điểm về xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường nhằm đảm bảo thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.

                                                                                                                                                       Trần Minh Tích