Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công tác tiếp công dân thường xuyên và định kỳ 1.396 lượt với 1.058 người. Nội dung tiếp công dân chủ yếu phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tranh chấp đất đai; cấp giấy phép xây dựng nhà ở và một số vụ việc tồn đọng, kéo dài qua nhiều năm,...
Nhiều đơn vị, địa phương đã làm tốt việc tiếp công dân, giải quyết ngay từ cơ sở như huyện Phong Điền. Thống kê từ ngày 01/8/2022 đến 31/7/2023, UBND huyện đã chỉ đạo Thanh tra huyện, Ban Tiếp công dân huyện và các cơ quan, đơn vị tham mưu thực hiện tốt công tác tiếp công dân tại Ban Tiếp công dân huyện và các phòng, ban chuyên môn đã tổ chức 22 ngày tiếp dân định kỳ với 39 lượt công dân đến kiến nghị, phản ánh. Tổng số lượt công dân thường xuyên đến kiến nghị tại Ban Tiếp công dân, các phòng, ban chuyên môn thuộc huyện là 48 lượt với 48 người. UBND các xã, thị trấn đã tổ chức 784 ngày tiếp công dân định kỳ với 805 lượt công dân đến kiến nghị phản ánh, tiếp thường xuyên tại UBND các xã, thị trấn là 279 lượt với 279 người. Nội dung đề cập tại các buổi tiếp công dân chủ yếu tập trung trên lĩnh vực đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, an sinh xã hội, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Chủ tịch Xã Phong Chương nếu hẹn dân chưa giải quyết kịp thời thì có thư xin lỗi
Bên cạnh đó cũng có nhiều địa phương còn xem nhẹ việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại của công dân chưa triệt để, chuyển lòng vòng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, làm mất lòng tin của người dân, nhất là lĩnh vực hành chính. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu là do nhận thức, năng lực cán bộ. Đơn cử như vụ công dân Trần Ngọc V.. khiếu nại Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn (Ông Nguyễn Đình Vu, Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn nay đã điều chuyển nhận công tác khác tại huyện Quảng Điền- PV) đã xác nhận không đúng khi chưa nắm rõ sự việc.
Trong đơn khiếu nại gửi UBND huyện Quảng Điền ông V.. đặt câu hỏi: Làm sao Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn biết gia đình tôi khó khăn, phải nhờ tiền gửi về…?.
Trả lời phóng viên Thương hiệu & Công luận về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Vu cho biết “Tôi chỉ xác nhận chữ ký của bà Ng… thôi. Vì bà Ng.. nói xin xác nhận để làm hồ sơ đoàn tụ gia đình chứ biết có tranh chấp thì tôi sẽ không xác nhận” (???)
Bà Nguyễn Thị Sửu- Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua Đoàn cũng nhận được nhiều đơn khiếu nại tố cáo của người dân và đã kiến nghị, giải quyết dứt điểm. Gần đây nhất là đơn khiếu nại của bà Dương Thị Th… đã 90 tuổi, khiếu nại Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế và Chấp hành viên chậm thi hành án dù bản án đã có hiệu lực từ năm 2020 đến nay.
Được biết, trả lời công dân Dương Thị Thưởng, Cục THADS Thừa Thiên Huế cho biết chấp hành viên đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng do Công an tỉnh Thừa Thiên Huế có ý kiến, thiếu phối hợp nên chưa thi hành án được và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có văn bản yêu cầu Ban chỉ đạo thi hành án tỉnh trả lời và xử lý dứt điểm trước ngày 21/7/2023.
Thế nhưng cho đến nay (6/8/2023) vẫn chưa có phản hồi. Nhiều người đặt câu hỏi “Vụ thi hành án này mắc ở đâu?” Trong lúc bà Th… đã già yếu, vụ án kéo dài hơn 30 năm qua nhiều cấp xét xử bây giờ bản án đã có hiệu lực thi hành thì lý do gì lại trì hoãn.
Luật sư Hoàng Kiến An- Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàng Xuân Thiết và Cộng sự, Đoàn LS Thừa Thiên Huế cho rằng: Khi Hội đồng xét xử đã ra quyết định, có hiệu lực pháp luật thì bản án phải được thi hành vì không có cơ quan, đơn vị nào đứng trên luật pháp. Việc thi hành án theo Luật, hoàn toàn độc lập…
Nói về việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương từng trao đổi với báo chí: Quan điểm của tỉnh đối với công tác xử lý, giải quyết các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài là tập trung rà soát, xử lý dứt điểm. Chủ động trong công tác đối thoại với công dân để giải quyết các vấn đề còn xung đột. Trường hợp vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng không đúng chính sách, pháp luật thì phải kiên quyết sửa chữa; trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng vẫn còn thiếu sót thì phải chỉ đạo khắc phục, bổ sung kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của công dân. Những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng do pháp luật qua nhiều thời kỳ thay đổi (thiếu sự kế thừa) dẫn đến việc giải quyết cho người dân có bị thiệt thòi hoặc trường hợp đối tượng có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn thì chủ tịch UBND thành phố, các huyện, thị xã, thủ trưởng cơ quan có liên quan xem xét vận dụng các biện pháp hỗ trợ khác phù hợp để người dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại.
Đó là ý kiến hoàn toàn đúng, vì dân. Người dân Thừa Thiên Huế cho rằng nếu cán bộ được giao trách nhiệm tiếp công dân dân, những người đứng đầu các sở, ban ngành, địa phương thực hiện đúng như vậy thì chắc chắn sẽ không phát sinh khiếu kiện kéo dài, xuất hiện các điểm nóng trên địa bàn…
Nguyễn Đăng- Minh Hoàng