Tham dự diễn đàn có đại diện Bộ KH&CN, các Cục vụ viện khoa học công nghệ, hiệp hội, hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất và nuôi trồng dược liệu…

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại diễn đàn, Tiến sĩ Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế cho biết, việc Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức Diễn đàn nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ nâng cao năng lực của địa phương trong xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo” (thuộc Đề án 844), hướng đến xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực miền Trung. Thông qua đó, đẩy mạnh liên kết hệ sinh thái Cố đô Khởi nghiệp với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, kết nối, thu hút nguồn lực, các tổng công ty tham gia đầu tư phát triển dược liệu tại tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các sản phẩm dược liệu trưng bày tại diễn đàn
Các sản phẩm dược liệu trưng bày tại diễn đàn.

Được biết, Thừa Thiên Huế là nơi có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đa dạng, có đầy đủ các loại địa hình phù hợp cho sự phát triển, nơi giao thoa của nhiều hệ động thực vật. Nhờ đặc trưng khí hậu nhiệt đới chuyển tiếp giữa hai miền Bắc - Nam tỉnh Thừa Thiên Huế được ghi nhận là nơi hội tụ nhiều loài cây thuốc, trong đó, có nhiều loài có giá trị y tế và kinh tế cao với hơn 1.600 loài, chiếm hơn 30% tổng số loài cây thuốc của cả nước.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều cây dược liệu quý, như Tràm, Hoắc hương, Hương nhu trắng, Hương nhu tía... Riêng đối với Vườn Quốc gia Bạch Mã đã xác định được 112 loài cây thuốc thuộc 58 họ thực vật khác nhau, chưa kể còn một số loài người dân địa phương thường dùng để chữa bệnh theo kinh nghiệm cổ truyền.

Phân loại theo công dụng làm thuốc, số loài điều tra được xếp thành các nhóm trị bệnh: đường tiêu hoá (15 loài), tiết niệu (14 loài), phụ khoa (10 loài), đường hô hấp (6 loài), tai mũi họng (5 loài), ngoài da (17 loài), sốt rét (4 loài), trị bệnh thông thường và các bệnh khác (62 loài) và nhóm thuốc bổ (9 loài).

Theo thống kê từ giai đoạn năm 2020 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện 17 nhiệm vụ KH&CN về dược liệu gồm: 02 dự án thuộc chương trình Nông thôn miền núi; 02 dự án thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; 12 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, 01 nhiệm vụ do Quỹ Phát triển KH&CN tài trợ

Ông Hồ Thắng cho biết thêm, diễn đàn được tổ chức nhằm mục đích mong muốn các chuyên gia, diễn giả, nhà đầu tư, doanh nghiệp, start up đánh giá sâu hơn những tiềm năng, cơ hội, thách thức, xác định được những “bài toán” đặt ra trong lĩnh vực Dược liệu tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Qua đó đặt hàng tìm kiếm các mô hình, giải pháp công nghệ mới, phù hợp với định hướng phát triển của lĩnh vực Dược liệu cũng như kết nối, kêu gọi, các nhà đầu tư đến Huế để đầu tư, phát triển toàn diện trong lĩnh vực nghiên cứu, thử nghiệm, trồng, sản xuất và chế biến sâu các sản phẩm dược liệu

                                                                                                                                           Trần Minh Tích