Thực hiện Nghị quyết 54 ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu cụ thể là “Đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh”.
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn khảo sát đã ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong quá trình thực hiện đề án. Các thành viên Đoàn khảo sát thống nhất với hồ sơ đề án, quá trình lập hồ sơ của tỉnh.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế (sau khi thực hiện sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp huyện và 133 ĐVHC cấp xã). Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ bao gồm 9 ĐVHC.
Điều chỉnh địa giới hành chính của thành phố Huế (hiện hữu) thành 02 quận là quận Phú Xuân và quận Thuận Hóa thuộc thành phố Huế trực thuộc Trung ương; thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục rà soát các tiêu chí đối với tất cả các đơn vị hành chính, có đánh giá một cách toàn diện sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính; giải thích rõ ràng việc áp dụng cơ chế đặc thù ở một số địa phương; đánh giá về tình hình an ninh trật tự, an ninh quốc phòng trong tương lai; làm rõ giá trị của Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…
Trước đó, Đoàn công tác liên ngành Trung ương đã đi khảo sát hiện trạng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế tại huyện Phong Điền, TP. Huế, TX. Hương Thuỷ và huyện Phú Lộc.
Cụ thể, đoàn đến thăm Bệnh viện Trung ương cơ sở 2; Khu Công nghiệp Phong Điền; Trung tâm Hành chính tập trung; các dự án: Aeon Mall, Ecogarden, Nhà ở xã hội, Kim long Motors; Khu Công nghiệp Phú Bài; Cảng Chân Mây…
Báo cáo với Đoàn khảo sát, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, đến nay, đô thị Phong Điền đã và đang triển khai lập 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị đối với các khu vực dự kiến thành lập phường. Đề án thành lập thị xã Phong Điền, là yêu cầu khách quan, nhằm đảm bảo thực hiện tốt vai trò là đô thị cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Liên quan đến nhà ở xã hội, ông Phương thông tin, tỉnh Thừa Thiên Huế rất quan tâm bố trí quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Trong đó, khu nhà ở xã hội tại dự án Ecogarden được Công ty Cotana Capital đầu tư xây dựng với quy mô hơn 1.000 căn hộ trên diện tích 3,5ha tại 2 lô đất có ký hiệu OXH1 và OXH2.
Cảng Chân Mây, là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh, nằm giữa 2 đô thị lớn của miền Trung là Đà Nẵng và Huế, là vị trí đầu mối trên các tuyến giao lưu quốc tế và liên vùng: Trục Bắc - Nam và Đông - Tây của miền Trung; cửa ngõ hướng ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây nối các nước Myanma, Thái Lan, Lào.
Kết luận sau khi đi thực tế và làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn khảo sát do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng dẫn đầu cơ bản thống nhất với hồ sơ đề án của tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời yêu cầu tỉnh cần phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại các quy trình, thủ tục để đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Báo cáo với Đoàn khảo sát liên ngành của Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nêu quyết tâm “Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan, các ngành có liên quan sớm rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ, Đề án để sớm trình Chính phủ thẩm định trong thời gian sớm nhất”. Trần Minh Tích