Thực hiện Kế hoạch số 211 của UBND tỉnh về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu năm 2021, các sở, ngành đã nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng thứ hạng về chỉ số thương mại điện tử, phấn đấu đưa tỉnh nằm trong top 15 của cả nước.

Đầu tháng 2/2021, Sở KH&ĐT thông báo đề nghị các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng. Các bộ phận chuyên môn của đơn vị được chỉ đạo hướng dẫn, giúp doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng thuận lợi, nhanh chóng.

Người dân thanh toán qua thẻ ATM khi mua hàng tại siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc.
Khách hàng thanh toán qua thẻ ATM khi mua hàng tại siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc.

Triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng không chỉ là bước tiến lớn trong cải cách thủ tục hành chính mà còn góp phần thực hiện hiệu quả lộ trình phát triển. Đăng ký kinh doanh qua mạng có nhiều ưu điểm nổi bật như doanh nghiệp chỉ cần đến 1 lần để nhận kết quả (nếu có nhu cầu nhận kết quả qua bưu điện sẽ được gửi về địa chỉ đăng ký).

Trong trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp phải điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện thì sẽ nhận được yêu cầu thông qua Email; các doanh nghiệp có thể chủ động sắp xếp thời gian nộp hồ sơ qua kết nối internet giúp tiết kiệm thời gian, chi phí; được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp; thuận tiện đối với trường hợp doanh nghiệp lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trên địa bàn khác tỉnh…

Sở KH&ĐT chỉ đạo các phòng chuyên môn đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 các thủ tục đăng ký kinh doanh; rà soát, phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn cho doanh nghiệp về thương mại điện tử theo các chủ đề chuyên sâu, phù hợp với địa phương và lĩnh vực kinh doanh…

Thực hiện lộ trình phát triển thương mại điện tử của tỉnh, năm nay, Sở KH&CN tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thương mại điện tử; phát triển các sản phẩm, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng thương mại điện tử trong từng công đoạn, chu trình, kinh doanh…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá và xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản thực phẩm; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các ứng dụng tham gia truy xuất nguồn gốc, xuất xứ tiêu biểu, hệ thống phân phối uy tín tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quảng bá và xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản thực phẩm và tăng cường giao thương với các khu vực khác…

Để thúc đẩy thanh toán điện tử, hỗ trợ cho giao dịch thương mại điện tử, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng cung ứng dịch vụ trung gian hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, cung cấp các dịch vụ trên nền tảng di động, hoàn thiện hệ thống thanh toán điện tử phục vụ nhu cầu giao dịch điện tử của các tổ chức, cá nhân; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt các quy định và biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật; phát hiện, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán thẻ, ATM, POS và phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao…

Nhờ nỗ lực đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, nên năng lực cạnh tranh của tỉnh nói chung và các doanh nghiệp nói riêng được nâng cao hơn, tự tin tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 55% người dân ở các thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên tham gia mua sắm trực tuyến; 55% thanh toán không dùng tiền mặt; 70% các giao dịch mua hàng trên ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử; 100% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông truyền thông trên địa bàn tỉnh chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương thức điện tử; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng…

PV