Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu
Gỡ hàng rào thuế quan
Từ 1/1/2018, Việt Nam sẽ cùng Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan dùng C/O mẫu D điện tử. Sau C/O, sẽ đến lượt các chứng từ khác như giấy chứng nhận vệ sinh và kiểm dịch động thực vật của WTO (SPS), chứng từ khai báo hải quan ASEAN (ACDD)… cũng sẽ điện tử hóa.
Theo ông Trần Bá Cường, Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương: Cũng như các nước trong ASEAN, Việt Nam cũng đã hoàn tất lộ trình giảm thuế cho nhiều hàng hóa của các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế ASEAN. “Chúng ta gần như đã bỏ hàng rào thuế quan cho các nước trong khu vực, với mức giảm lên đến 98%. Vì vậy, nếu không làm tốt công việc xuất khẩu ra nước bạn, chúng ta sẽ chịu tác dụng ngược, bị hàng hóa nước bạn “đè bẹp” ngay tại sân nhà”, ông Cường lo ngại.
Năm 2017, một số nước ASEAN đã thí điểm 2 cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (C/O), đặt mục tiêu giảm 10% chi phí giao dịch thương mại vào cuối 2020 và tăng gấp đôi kim ngạch thương mại nội khối ASEAN từ 2015 đến 2017. Năm 2018, có 2 dự án thí điểm chúng ta vừa đề cập trên sẽ hợp nhất, tất cả các doanh nghiệp đều được tự làm C/O để xuất khẩu sang nước khác.
Cũng từ 1/1/2018, Việt Nam cùng 9 nước khác (trừ Malaysia) sẽ chính thức thực hiện Dự án Hải quan một cửa (ASEAN single window - ASW). Nếu doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu và quá cảnh sang Lào hay Campuchia, sẽ không phải khai báo hải quan ở hai nước đó một lần nữa, nếu đã khai báo hải quan ở Việt Nam.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), những ưu đãi và điều kiện để được ưu đãi giống như 2 chiếc của một đôi giày. Dù chúng ta có nhận được ưu đãi nhiều đến mức nào, song lại không đạt tới những yêu cầu để được nhận ưu đãi đó cũng không có tác dụng. Trong trường hợp này, nếu tận dụng tốt quy tắc xuất xứ ưu đãi, chúng ta sẽ nâng cao được vị thế xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường ASEAN.
Để nắm chắc cơ hội thâm nhập thị trường các nước ASEAN, các doanh nghiệp Việt nên hiểu rõ uy tắc xuất xứ từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực năm 2010. Chỉ khi nắm rõ quy tắc xuất xứ, chúng ta mới làm đúng giấy chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu hàng ra khu vực ASEAN.
Hiện tại, Hải quan Việt Nam đang thử nghiệm đường truyền đến hải quan các nước. Việc dùng C/O điện tử không còn là kế hoạch hay dự định mà sắp xảy ra trong thực tế. Các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng cập nhật các quy tắc, hiệp định để chuyển hướng kinh doanh hợp tác.
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Phát biểu tại chương trình hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu là nội dung quan trọng - được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đặt ra.
Nêu bật những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 với việc lần đầu tiên chúng ta đạt 13/13 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó có những chỉ tiêu vượt rất cao so với kế hoạch, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh chỉ tiêu xuất nhập khẩu hàng hóa với con số 400 tỷ USD tổng kim ngạch đạt được trong năm.
“Xuất, nhập khẩu đạt được tốc độ tăng trưởng 21,1%, gấp 3 lần so với chỉ tiêu kế hoạch, có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất đó là việc chúng ta đã chủ động bám sát diễn biến, bối cảnh thị trường trong và ngoài nước để kịp thời chỉ đạo, điều hành linh hoạt, từ chính sách đến việc tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, từng lĩnh vực và doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó, với rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, như gỗ, da giày, dệt may, công nghiệp chế biến, chế tạo…, không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn, mà còn tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp”, Bộ trưởng nhận định.
Việc khai thác thị trường xuất nhập khẩu mới cũng được người đứng đầu ngành công thương nêu ra như một trong những giải pháp rất hữu hiệu trong năm 2017, đóng góp quan trọng vào thành tích xuất nhập khẩu của cả nước.
Để phát huy kết quả xuất nhập khẩu đã đạt được, trong năm 2018, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước hết, từ Trung ương đến địa phương, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp nhà nước, trong đó, phải lấy tiêu chí về năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệu quả trong đầu tư làm thước đo cuối cùng.
Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển thị trường trong nước, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.
“Lực lượng quản lý thị trường với mô hình tổ chức, quản lý mới theo chiều dọc sẽ cùng với các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với những hành vi gian lận thương mại”, Bộ trưởng nói.
Mặt khác, đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế bằng những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để tạo dư địa mới cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
“Trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành thông qua các chương trình hành động cụ thể theo chỉ đạo của Chính phủ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kết luận.
Kiều Tuyết