Ngân sách trung ương có khả năng hụt thu năm thứ 3 liên tiếp

Chiều 23/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện NSNN năm 2017, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm quốc gia 2018 - 2020.

Kết quả thực hiện NSNN năm 2017 cho thấy, Chính phủ ước thực hiện thu NSNN năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán.

Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) cho rằng, thu NSNN năm 2017 đã thể hiện nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ, kết quả hành động với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp, ngành tài chính và cả hệ thống chính trị trong cả nước.

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS nhận thấy, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương (NSĐP), trong khi thu ngân sách trung ương (NSTW) ước khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, NSTW có khả năng hụt thu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của NSTW, vai trò chủ đạo của NSTW khó được đảm bảo.

Liên quan đến cơ cấu thu NSNN, Ủy ban TCNS chỉ ra một số vấn đề nổi lên trong thu nội địa, đặc biệt thu từ 3 khu vực kinh tế: DNNN, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), dn ngoài quốc doanh có thể đều không đạt dự toán.

Cụ thể, khu vực DNNN có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán, cho thấy khả năng cạnh tranh, phát triển và chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực này còn hạn chế.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, số thu cổ tức, lợi nhuận còn lại của DNNN, tiền bán vốn nhà nước tại các DN trong 9 tháng đầu năm đạt thấp hơn nhiều so với dự toán; đặc biệt là thu bán vốn nhà nước mới chỉ đạt 16,7%, nhưng Chính phủ vẫn ước thực hiện cả năm đạt dự toán là rất khó khăn.

Điều này, thể hiện việc phối hợp triển khai kế hoạch thoái vốn nhà nước giữa các bộ, ngành hiệu quả chưa cao, cần được phân tích rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Thẩm tra về Báo cáo tình hình thực hiện NSNN năm 2017, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2018; ý kiến về Kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2018 - 2020, Ủy ban TCNS đánh giá, số thu nội địa giảm, một mặt phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, chưa bền vững và thiếu tính ổn định; mặt khác, do số thu giao cho một số địa phương cao hơn so với thực tế, như thu từ các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại tỉnh Quảng Nam, tỉnh Vĩnh Phúc…

Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng thuế, tuy đã được triển khai quyết liệt, nhưng số thuế nợ đọng vẫn còn lớn (khoảng 73,9 nghìn tỷ đồng đến hết 30/9/2017).

4 nguyên tắc phân bổ ngân sách trung ương 2018

Thống nhất với báo cáo của Chính phủ về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, Ủy ban TCNS nhấn mạnh 4 nguyên tắc phân bổ NSNN năm 2018:

Thứ nhất, phân bổ vốn đầu tư phải căn cứ vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội quyết định. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ hai, phân bổ chi thường xuyên cần chú trọng tiết kiệm. Thực hiện tăng lương cơ sở phải đi đôi với tinh giản biên chế, tiến tới giao dự toán chi lương đi đôi với giao biên chế. Đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm dần sự phụ thuộc vào NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập để tạo nguồn cải cách tiền lương.

Thứ ba, phân bổ ngân sách cho các địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020 theo tỷ lệ điều tiết đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 29/2016/QH14 nhằm bảo đảm cân đối chung, nhưng cần chú ý tới các địa phương có yếu tố đột biến trong điều hành NSĐP để có mức tăng bổ sung mục tiêu cho phù hợp. Bố trí ngân sách để trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn, quản lý chặt chẽ tất cả các khoản vay; dành nguồn dự phòng để chủ động xử lý các tình huống cấp bách như: thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hoan Nguyễn