Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả quan trọng. Số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tăng dần qua từng năm. Nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đó là nền tảng để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Đảm bảo an sinh cho người lao động
Chính sách bảo hiểm xã hội được thực hiện với hai loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trong đó, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với người lao động mà còn cả với doanh nghiệp. Ngoài việc giúp người lao động ổn định cuộc sống ngay khi đang làm việc thông qua các chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp. Khi hết tuổi lao động và đủ điều kiện theo quy định, người lao động sẽ được hưởng chế độ hưu trí với lương hưu và thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống. Khi người lao động không may qua đời, thân nhân được hưởng chế độ tử tuất và mai táng phí.
Với doanh nghiệp, việc người lao động được tham gia chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ sẽ có thêm động lực giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh mà không phải lo lắng về nguồn lao động. Mặt khác, thực tế nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động thì tiêu thức được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng là một quyền lợi quan trọng để thu hút người lao động vào làm việc.
Vì vậy, việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp một mặt đòi hỏi tính trách nhiệm cao của từng người lao động đối với bản thân mình, với gia đình và xã hội. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm bảo vệ người lao động khi gặp phải rủi ro của người sử dụng lao động. Mặt khác, thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất về quyền lợi.
Tại Công ty CP nhựa, bao bì Vinh, với số lượng lao động luôn dao động trong khoảng 1.000 người, để đảm bảo các quyền lợi cho người lao động cũng như ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị luôn chú trọng thực hiện tốt các nghĩa vụ và trách nhiệm về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Ông Nguyễn Hữu Sơn - Phó Giám đốc Công ty CP nhựa, bao bì Vinh cho biết: Đơn vị luôn đặt nhân tố con người lên hàng đầu trong quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Vì vậy, các quyền lợi của người lao động luôn được đơn vị đảm bảo, từ tiền lương cho đến việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kịp thời và đầy đủ. Nhất là với đơn vị có nhiều lao động nữ như chúng tôi, việc được tham gia và thụ hưởng các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp giúp người lao động vượt qua khó khăn, đảm bảo và ổn định cuộc sống, cũng như được khám chữa bệnh kịp thời. Qua đó giúp người lao động yên tâm làm việc, cống hiến, gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần tạo nên uy tín và vị thế của đơn vị như hiện nay.
Nỗ lực vì quyền lợi của người lao động
Ðảng và Chính phủ luôn xác định chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách xã hội lớn, có tính nhân văn sâu sắc, có tầm quan trọng và vai trò to lớn đối với cuộc sống con người. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động, ổn định sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc...
Ðóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là trách nhiệm của doanh nghiệp khi phát sinh hợp đồng lao động. Tại Nghệ An, tính đến hết tháng 4/2023, toàn tỉnh có 264.709 người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị sử dụng lao động.
Để đảm bảo quyền được tham gia và thụ hưởng các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đồng chí Lê Viết Thức – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, các cấp, các ngành, trong đó có ngành Bảo hiểm xã hội đã nỗ lực triển khai các giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động và nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trong đó, chú trọng tuyên truyền những tác động hệ lụy của việc trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với doanh nghiệp và người lao động; Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động; Phối hợp với Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh và Công an tỉnh tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, xử lý đúng theo quy định của pháp luật các đơn vị trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội…
Tuy nhiên hiện nay, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở mức cao gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động tại một số doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhưng không được hưởng hoặc chậm hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi họ ốm đau, bệnh tật, mang thai, sinh đẻ hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cũng như không được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh. Một trong những nguyên nhân quan trọng được ông Lê Viết Thức nhận định đó là do các chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.
Theo Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An, việc Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung 6 biện pháp xử lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính thực thi pháp luật bảo hiểm xã hội là rất phù hợp và cần thiết. Đặc biệt là với quy định nộp số tiền tính theo ngày đối với các trường hợp trốn đóng (0,03%/ngày tương tự như tiền chậm nộp thuế) và bổ sung trách nhiệm của người sử dụng phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Để tránh bị ảnh hưởng về quyền lợi, bản thân người lao động cần ý thức và hiểu rõ về các quy định quyền lợi, trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Pháp luật cho phép người lao động có quyền được yêu cầu chủ sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm; được giữ sổ bảo hiểm xã hội; được quyền khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm xã hội; ủy quyền cho tổ chức công đoàn khởi kiện chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp vi phạm về đóng bảo hiểm… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, góp phần tạo nên một xã hội phát triển bền vững với chất lượng an sinh ngày càng được nâng cao.
5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết 40.739 lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Trong đó, giải quyết chế độ ốm đau cho 25.913 lượt người, giải quyết chế độ thai sản cho 11.460 lượt người, chế độ dưỡng sức cho 3.313 lượt người, giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 53 người lao động.
Việt Anh