Đầu tháng 9/2021, Cục QLTT Bình Dương tiến hành kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật xây dựng SH - XY (địa chỉ số 12/12, Khu phố 1B, phường An Phú, TP. Thuận An, Bình Dương), phát hiện DN này tàng trữ 19.860 viên Đông dược hiệu LIANHUA QINGWEN (là một trong các loại đông dược của Trung Quốc được quảng cáo hỗ trợ điều trị bệnh Covid-19 trên mạng xã hội); 460 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19; hơn 4.600 sản phẩm đồ bảo hộ y tế các loại; 1.600 kính chống giọt bắn hiệu FaceShield; 516 chai cồn sát khuẩn, bề mặt hiệu SaSaKura, hàng nghìn khẩu trang các loại...
![Thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu bị thu giữ Thuốc điều trị Covid-19 nhập lậu bị thu giữ](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2021/09/17/anh-2-1631848762.jpg)
Phần lớn số hàng hóa trên có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, đơn vị này chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô hàng, có dấu hiệu là hàng nhập lậu.
Ngày 7/9, Đội CSKT (công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thu giữ 1.000 viên thuốc phòng, điều trị Covid-19 có ghi chữ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ.
Ngày 9/9/2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - C03 (Bộ Công an) phối hợp công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện đường dây có dấu hiệu buôn lậu thuốc tân dược và các loại vật tư y tế.
Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 51D-48390, do ông Trần Văn Hoàng (38 tuổi, trú tại huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) điều khiển, chở 400 hộp thuốc tân dược nhãn hiệu ‘‘Liên Hoa Thanh Ôn’’ từ kho của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất TOYO (địa chỉ số 40 đường số 3, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh).
Điều tra mở rộng, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra kho hàng của công ty này, phát hiện 9.200 hộp thuốc ‘‘Liên Hoa Thanh Ôn’’ được quảng cáo có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19, chưa được kiểm định, cấp phép lưu hành tại Việt Nam...
Thượng tá Phạm Văn Thành, Trưởng phòng PC03 (công an TP. Hồ Chí Minh) cho biết, việc phát hiện các đường dây sản xuất, buôn bán thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả nêu trên đã góp phần ngăn chặn kịp thời việc đưa số hàng giả này ra tiêu thụ trên thị trường, bảo vệ quyền lợi, an toàn, sức khỏe cho người dân, nhất là các bệnh nhân đang tự chữa trị Covid-19 tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế. Đồng thời, góp phần răn đe, cảnh tỉnh các đối tượng đã và đang có ý định lợi dụng tình hình dịch bệnh để hoạt động phạm pháp nhằm trục lợi bất chính.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh thông tin, hiện nay chỉ có các đơn vị sản xuất thuốc tài trợ để phát cho các F0, chưa có loại thuốc được cấp mã số để bán. Vì vậy, người dân nên cảnh giác vì có thể (nếu mua) sẽ là thuốc giả.
Liên quan đến vấn đề này, vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn điều trị dịch Covid-19. Việc áp dụng các phác đồ điều trị bệnh nói chung và bệnh dịch Covid-19 nói riêng cần có sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia y tế. Người dân không nên thu gom, tích trữ thuốc tại nhà, dẫn đến thiếu hụt thuốc tại các cơ sở y tế để điều trị cho các bệnh khác, đồng thời tạo cơ hội cho các đối tượng đầu cơ, tăng giá thuốc bất hợp lý.
Để công tác phòng, chống dịch Covid-19 phát huy hiệu quả, mỗi người dân cần chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng chống dịch hiệu quả, không tự tiện tìm mua các loại thuốc được quảng cáo là thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi trên thị trường, tránh việc “tiền mất, tật mang”.
Căn cứ Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh có thể bị phạt tù thấp nhất là 2 năm tù và hình phạt cao nhất là tử hình. Người phạm tội có thể bị tử hình trong trường hợp như làm chết 2 người trở lên, gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên, thu lợi bất chính từ 2 tỷ đồng trở lên.
Tâm An