Yêu cầu cấp bách hiện nay
Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, theo kết quả thực hiện Đề án 2038 (Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2020), trong số 13.511 cơ sở y tế của cả nước hiện có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn; 40% còn lại vẫn chưa đạt.
Trong số 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn thì BV tuyến trung ương đạt 62%, tuyến tỉnh 59,3% và tuyến huyện là 65,9%. Như vậy, vẫn còn lượng nước thải y tế rất lớn từ các BV chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường.
Kinh phí đầu tư xử lý nước thải y tế hiện nay chủ yếu từ NSNN, một số nơi theo hình thức PPP (đối tác công tư nhưng mang tính đặc thù như TP. Hồ Chí Minh), quy mô đầu tư dưới 20 tỷ đồng. Ngoài tình trạng đa số BV thiếu kinh phí đầu tư (400 BV có nhu cầu đầu tư), có một vấn đề đang tồn đó là nhiều BV đã được đầu tư nhưng thiếu năng lực quản lý, vận hành.
Theo GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhu cầu đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế cho BV công lập là rất lớn, trong khi kinh phí đầu tư của Nhà nước không đáp ứng được yêu cầu. Để tháo gỡ khó khăn về kinh phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế, Bộ Y tế đã xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các BV công lập.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Long cho rằng, cơ sở y tế thuê tư nhân vào khai thác, vận hành, đảm bảo xử lý chất thải y tế đáp ứng quy chuẩn môi trường, đối với cơ sở chưa có thì đầu tư, tính toán giá trị, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đột xuất hay thường kỳ để đảm bảo yêu cầu.
“Việc xây dựng dự thảo dựa trên nguyên tắc huy động nguồn lực tại các cơ sở, DN có năng lực trong xử lý chất thải. Nhưng Bộ cũng muốn lắng nghe ý kiến, xem có tính khả thi hay không, có đảm bảo kiểm soát tốt, tránh việc nâng giá, hoặc trong quá trình xả thải không quản lý được đầu ra hay không?”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Vốn tự chủ đang bị bó?
Điều 2 của dự thảo với 3 khoản quy định về thẩm quyền trong việc thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế. Cụ thể: Bộ trưởng các bộ quyết định hoặc ủy quyền cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc quyết định việc thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế dùng vốn NSNN trong các BV thuộc thẩm quyền quản lý.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định hoặc ủy quyền cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc quyết định việc thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế dùng vốn NSNN trong các BV thuộc phạm vi quản lý.
BV công lập tự quyết định việc thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế dùng vốn tự chủ của đơn vị.
Đóng góp ý kiến cho bản dự thảo, đại diện Công ty CP Tiến bộ Quốc tế AIC cho rằng, Khoản 3 của Điều 2 quy định như vậy là chưa rõ ràng. Nếu không làm rõ, câu hỏi đặt ra là “ai có thẩm quyền quyết định phê duyệt kế hoạch, điều chỉnh dự toán, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, giám sát?”. Có phải là BV công lập hay các đơn vị cấp trên? Giữa dùng vốn NSNN với dùng vốn tự chủ của đơn vị, có sự khác nhau như thế nào? Quyền tự chủ của BV đến đâu?...
Bà Nguyễn Thị Khang Liệu, PGĐ BVĐK tỉnh Lào Cai nêu ý kiến, cần làm rõ hơn Khoản 3 của Điều 2. BV thuê dịch vụ bằng vốn tự chủ của đơn vị, vậy tự chủ toàn bộ hay tự chủ một phần? Đa số BV trên địa bàn chưa tự chủ được chi phí thường xuyên, tự chủ một phần có dùng toàn bộ nguồn vốn của BV hay không hay vẫn được ngân sách hỗ trợ một phần chi phí thuê dịch vụ?
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc BVĐK tỉnh Nam Định nhấn mạnh tới việc áp dụng vào thực tế sẽ phát sinh nhiều vấn đề, đề nghị nghiên cứu kỹ, khi ban hành góp phần hạn chế vướng mắc, vì khi không bao quát được các tình huống có thể xảy ra thì “khổ” nhất vẫn là các cơ sở y tế.
Theo ông Hòa, cơ chế thuê dịch vụ này sẽ khó khăn với các BV tuyến dưới, BV ít số giường hoặc các cơ sở y tế có ít bệnh nhân. Việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề chất lượng xử lý chất thải y tế, liệu sẽ nằm ở các BV hay đơn vị được thuê?...
Cần công bố công nghệ chuẩn
“Vướng mắc xuyên suốt đó là cứ nói tự chủ, nhưng có được tự chủ đâu? 3 năm qua, chúng tôi chưa được quyền tự chủ. Hiện nay, có bao nhiêu BV được tự chủ, tự chủ được bao nhiêu, chắc chắn Bộ không nắm được con số chính xác. Và nói thẳng, chẳng ai muốn cho tự chủ trong cơ chế này. Ai cũng muốn có quyền”, ông Hòa nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Danh Linh, đại diện lãnh đạo BV Hữu nghị đa khoa Nghệ An kiến nghị, Bộ Y tế cần phải công bố một công nghệ chuẩn trên toàn quốc để các BV cơ sở lấy công nghệ đó áp dụng cho việc xử lý nước thải tại cơ sở của mình. Bởi hiện nay, chưa rõ công nghệ vi sinh có áp dụng được trong xử lý nước thải y tế hay không.
Đồng thời, ông Linh cũng chỉ ra thực trạng, khi đấu thầu thì chủ đầu tư thương thảo với nhà thầu chấp nhận công nghệ, nhưng khi xảy ra sự cố không xử lý đúng chất lượng thì lại xin các cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, việc sử dụng quy chuẩn giường bệnh làm căn cứ đã có sự hợp lý hay chưa…
Trước những ý kiến góp ý, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, cơ chế tự chủ hiện nay đang bị bó. Tới đây, Bộ Y tế sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 85 và các văn bản khác để tăng tính tự chủ cho các BV.
Thứ trưởng Long nhấn mạnh, việc giám sát xem đơn vị được thuê có thực hiện đúng theo nghĩa vụ hợp đồng hay không là của các BV. Ngoài giám sát theo quý, các BV có thể thực hiện giám sát đột xuất, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm để có cơ sở làm việc với đơn vị được thuê, đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy chuẩn.
Về quan điểm có nên quy định giá trần thuê dịch vụ hoặc quy định thời hạn về hợp đồng, Thứ trưởng cho rằng, cơ chế khuyến khích các cơ sở y tế lựa chọn công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Do đó, không thể quy định giá trần với việc thuê dịch vụ này vì sẽ hạn chế việc sử dụng công nghệ của các cơ sở y tế.
Việc thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế thực hiện theo nguyên tắc nhà cung cấp dịch vụ đầu tư 100% vốn/tổng mức đầu tư của dự án, tùy theo phạm vi và quy mô với 3 nhóm BV. Kinh phí do đơn vị thuê dịch vụ chi trả và được hạch toán vào giá dịch vụ KCB. Mức giá được tính trên cơ sở tất cả các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ để thực hiện xử lý 01 mét khối nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với từng loại công nghệ xử lý và do cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1, 2 Điều 2 phê duyệt.
Đoàn Huế