Hàng nhái thương hiệu, hàng hoá vi phạm tem nhãn
Chợ Trung Tâm Móng Cái hay còn gọi là Chợ Móng Cái 1 đi vào hoạt động vào năm 2004. Chợ nằm trên đường Trần Phú được xây dựng khá quy mô, có diện tích sử dụng trên 20.000m2, có 4 tầng và tầng hầm, quy tụ hơn 700 gian hàng. Có thể nói đây là nơi giao thương khá tốt đối với các doanh nghiệp thương nhân cả trong nước và nước bạn Trung Quốc.
Theo ghi nhận của phóng viên, tầng 1 của chợ là tập trung cung cấp sản phẩm may mặc thời trang cho nam giới. Tầng 2 tập trung các mặt hàng dành cho nữ giới, gồm quần áo, trang sức. Tầng 3 của chợ tập trung các mặt hàng như giày dép, túi xách và các loại phụ kiện khác. Các sản phẩm hàng hoá tại Chợ Trung Tâm Móng Cái rất đa dạng về mẫu mã và phong phú về giá cả đa số là hàng Trung Quốc.
Theo ghi nhận của phóng viên Thương hiệu và Công luận, tại chợ xuất hiện nhiều loại mặt hàng quần áo, giày, dép từ thương hiệu nước ngoài như: Yángsen, Beisilei, Vedendano, WBXG Shoes, MIBASHA, Jinluoxi,… nhưng không có tem nhãn phụ Tiếng Việt hay bất cứ thông tin về xuất xứ sản phẩm.
Ngoài ra, khảo sát tại gian hàng kinh doanh quần áo, các thương hiệu nổi tiếng như: Burberry, Chanel, Gucci, Adidas… chỉ toàn chữ nước ngoài, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn phụ Tiếng Việt đều được bày bán công khai với giá vài trăm nghìn đồng.
Theo quy định của pháp luật về tem nhãn hàng hoá bày bán tại thị trường Việt Nam, sản phẩm bày bán phải có nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hoá bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc: Đây là nhãn được thể hiện lần đầu được gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4, Điều 3, Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Thuốc - dược phẩm bày bán tràn lan
Trong vai khách du lịch, phóng viên qua bàn trực của Ban quản lý chợ Trung tâm Móng Cái hỏi về địa điểm bán các loại thuốc Trung Quốc và được nhân viên hướng dẫn lên tầng 3 của khu Chợ Trung tâm.
Mục sở thị tại đây, phóng viên ngỡ ngàng trước việc các loại thuốc của Việt Nam, Thái Lan và đặc biệt là thuốc Trung Quốc được bày bán rất nhiều tại các quầy hàng. Các loại thuốc được bày bán rất đa dạng, từ thuốc bôi ngoài da đến thuốc uống; từ thuốc nhỏ mắt đến các loại dầu, cao xoa bóp; từ thuốc trị ho đến thuốc trị dạ dày; từ thuốc kháng sinh liều thấp đến kháng sinh liều cao….
Tuy nhiên, điều khiến phóng viên ngỡ ngàng hơn cả là các loại thuốc nước ngoài được bày bán ở đây chỉ có tiếng nước ngoài, không có số đăng ký, không có tem nhãn phụ bằng tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ,…
Theo quy định của Bộ Y tế, thuốc nhập khẩu chính hãng lưu hành tại Việt Nam phải có số đăng ký thuốc. Đây là ký hiệu chứng minh loại thuốc đó đảm bảo an toàn, chất lượng chính hãng để lưu hành và sử dụng theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam. Để được nhập khẩu vào Việt Nam thì các đơn vị phải thực hiện hoạt động xin cấp phép lưu hành hay còn gọi là đăng ký thuốc.
Dược phẩm nhập khẩu chính hãng sẽ được dán 2 loại tem: Tem niêm phong được phát hành từ cơ quan thuế nên màu sắc rõ ràng gồm 7 màu và nền hoa văn được thiết kế đan xen nhau có in chữ “Tem phân phối chính hãng”. Các chữ in trên tem sắc nét, chất liệu khi dán vào sản phẩm chắc chắn. Tem nhận diện hàng chính hãng, với các đặc điểm như: tem cào điện tử, có thể chiếu tia UV kiểm tra, tem vỡ, Hologram óng ánh.
Nhãn phụ là một trong những nhẫn bắt buộc phải có trên sản phẩm nhập khẩu chính hãng, bao gồm những thông tin được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt như: Hướng dẫn sử dụng; Thành phần công thức đầy đủ; Tên nước sản xuất; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; Định lượng thể hiện bằng khối lượng tịnh hoặc thể tích; Số lô sản xuất; Ngày sản xuất hoặc hạn dùng phải được thể hiện một cách rõ ràng; Lưu ý về an toàn khi sử dụng (nếu có);…
Cũng theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, các loại thuốc kháng sinh, thuốc đặc trị được lưu hành trên thị trường Việt Nam chỉ được phép bán khi có đơn kê từ bác sỹ.
Cụ thể, Ngày 07/09/2017, Bộ Y tế đã phê duyệt và ban hành đề án: “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” với mục tiêu chính là “Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng tâm là kháng sinh qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý” và mục tiêu cụ thể là “Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc”.
Điều 315 "Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác", Bộ luật Hình sự 2015:
Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Làm chết người;
- b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
- a) Làm chết 02 người;
- b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- a) Làm chết 03 người trở lên;
- b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- Luật quy định là vậy, thế nhưng tình trạng thuốc dược phẩm được bày bán tràn lan tại Chợ Trung tâm Móng Cái cho thấy việc coi thường pháp luật của các hộ kinh doanh mặt hàng đặc biệt này?
Liệu nhìn vào hộp thuốc này người tiêu dùng có biết được hướng dẫn sử dụng như thế nào, thành phần công thức ra sao, có cần lưu ý khi sử dụng hay không,… Và điều cần chú ý hơn cả là nếu người bệnh mua về sử dụng mà xảy ra biến chứng, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Dư luận đặt dấu hỏi về công tác quản lý của các phòng ban chuyên môn thuộc Sở Y tế, Ban chỉ đạo 389, lực lượng Quản lý thị trường, cùng các cơ quan liên ngành của tỉnh Quảng Ninh? Đề nghị cơ quan chứng năng của tỉnh Quảng Ninh phối hợp để làm rõ những vấn đề mà người tiêu dùng đang đặc biệt quan tâm.
Khánh Quyên