Hiểm họa khôn lường cho học sinh
Thuốc lá điện tử có rất nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, vape, bút vape, ENDS (hệ thống điện tử cung cấp nicotin), ENNDS (hệ thống phân phối không chứa nicotin). … được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son,….
Do vậy, học sinh dễ dàng sở hữu thuốc lá điện tử với đủ hình dạng có thể mang vào lớp mà không bị phát hiện. Sự “mới lạ” của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây,..) cùng những lời quảng cáo: không gây hại, “văn hóa hút thuốc lành mạnh”, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới… đã đánh trúng vào tâm lý thích thể hiện cái tôi của “tuổi mới lớn” và nhanh chóng xâm nhập vào trường học.
Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với gần 7.800 học sinh trong độ tuổi 13-17 tại 34 tỉnh, thành của Việt Nam, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh vào năm 2019 là 2,6%, nhưng đến năm 2022 đã tăng lên 3,5%.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó, 27 ca nhập viện dưới 16 tuổi.
Theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 11 tỉnh, thành, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Đặc biệt, ở nữ giới tuổi 11-18, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% năm 2023.
Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho biết, trong thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng mới chứa nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy cũng như các chất gây nghiện khác, gây thêm hại cho người sử dụng.
Gần như tuần nào, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận ca cấp cứu do ngộ độc thuốc lá điện tử, trong đó phần lớn là thanh thiếu niên. Điển hình như nam học sinh 17 tuổi (ở Hà Nội) vào viện trong tình trạng đa bệnh lý, từ rối loạn tâm thần, trầm cảm, có ý định tự tử đến xơ hóa phổi, thông khí kém, tắc nghẽn mạn tính như ở người già từng hút thuốc lá hàng chục năm. Trong khi, nam sinh mới hút thuốc lá truyền thống kết hợp với thuốc lá điện tử khoảng 1 năm. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nam sinh bị ngộ độc ma túy tổng hợp có trong thuốc lá điện tử.
Điều trị cho nhiều ca bệnh như nam sinh nói trên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc lo ngại, phần lớn người dân quan niệm, thuốc lá điện tử không có nicotine gây nghiện. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe, gồm: Nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy.
Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử trộn ma túy thế hệ mới, khi hút vào đường hô hấp gần như hấp thu 100% giống như tiêm thẳng vào tĩnh mạch. Người sử dụng ma túy trong thuốc lá điện tử có nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần. Đấy là mối lo hiện hữu cho từng gia đình khi thuốc lá điện tử đang “tấn công” giới trẻ.
Tương tự, Bệnh viện Nhi trung ương cũng từng tiếp nhận không ít trường hợp học sinh được đưa vào cấp cứu trong trạng thái kích thích, loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp do ngộ độc các chất trong thuốc lá điện tử. Đơn cử như bé trai 12 tuổi (ở Hà Nội) được đưa đến Khoa Sức khỏe vị thành niên trong tình trạng khó thở và co giật. Trước đó, do thiếu sự quan tâm của cha mẹ nên bé trai này đã bị các anh lớp trên cùng trường rủ sử dụng thuốc lá điện tử. Sau đó, em này tự mua trên mạng về để được tự do hút.
Giới trẻ tuyệt đối không nên sử dụng thuốc lá điện tử
Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá được tổ chức hồi cuối năm 2023, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng "Thuốc lá điện tử là một sản phẩm gây hại. Nó không phải thức ăn, nước uống, không phải là thuốc chữa bệnh, chỉ mang tính chất giải trí nhưng tác hại của nó vô cùng lớn".
Hàm lượng nicotine trong thuốc lá điện tử cao hơn rất nhiều lần so với thuốc lá thông thường. Đây là chất độc, khả năng gây nghiện cao. Theo một nghiên cứu trên thế giới vào năm 2018, ước tính cứ 1 người bỏ được thuốc lá khi dùng thuốc lá điện tử thì có thêm 80 trẻ vị thành niên nghiện nicotine.
Ngoài ra, các loại thuốc lá điện tử chứa rất nhiều loại hóa chất, đều các hóa chất nhân tạo tổng hợp với số lượng khổng lồ, thay đổi các hóa chất liên tục. Điều này làm phát sinh loạt bệnh/ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết. Bên cạnh đó, nó còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Theo bác sĩ, thuốc lá điện tử khó xét nghiệm, khó kiểm tra, chứa toàn các loại hóa chất mới, độc tính rất mạnh, không khác gì ma túy đá, thậm chí còn phức tạp hơn.
"Có quá nhiều vấn đề bệnh tật liên quan đến thuốc lá điện tử. Chúng ta hít vào người là hít vào đường hô hấp, hấp thu gần như 100% giống như tiêm thuốc thẳng vào tĩnh mạch, tiêm hóa chất trực tiếp vào máu", TS Nguyên nói.
Hiện nay ở một số nước đã cấm thuốc lá điện tử như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,…Trung Quốc là nước phát minh, sản xuất thuốc lá điện tử (nhiều nhất trên thế giới) cũng đã thực hiện chính sách cấm các loại thuốc lá điện tử có hương thơm từ tháng 10/2022 (gần như toàn bộ các sản phẩm thuốc lá điện tử). Do đó, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên đề xuất cần cấm ngay lập tức việc lưu hành thuốc lá điện tử ở Việt Nam, cấm hoàn toàn, không thử nghiệm, không cần đánh giá, theo dõi.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hương (Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế) cho rằng, đề xuất không cho phép thí điểm thuốc lá nung nóng là hợp lý, không để tình trạng thuốc lá điện tử thâm nhập vào thị trường Việt Nam dưới mác thuốc lá nung nóng bởi việc sử dụng trá hình sẽ rất khó kiểm soát.
Vì vậy, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng với các chế tài xử lý cụ thể trong xử lý những cá nhân, tổ chức buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử, vấn đề quan trọng là cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong quản lý, giáo dục, ngăn ngừa việc học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng thuốc lá điện tử.
Các bậc phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc, trò chuyện với con em mình; cần có các biện pháp kiểm tra, phát hiện và kịp thời răn đe, nhắc nhở. Đồng thời, nhà trường phải thường xuyên tổ chức những hình thức hoạt động ngoại khóa, để đẩy lùi vấn nạn thuốc lá điện tử khỏi môi trường học đường.
Ngày 24/5/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030. Chiến lược nhấn mạnh việc tiếp tục “ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”. Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 sẽ là định hướng quan trọng cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới.
Hoàng Bách