(TH&CL) Để đưa thuốc sâu lậu vào Việt Nam trót lọt và không bị nghi ngờ, các đối tượng lừa đảo đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế. Và chiêu “bình mới rượu cũ” được xem là hiệu quả nhất vì nó đánh lừa được người nông dân khiến họ không có một chút mảy may nghi ngờ.
Thuốc BVTV cực độc của Trung Quốc đa dạng mẫu mã và chủng loại
Đánh lừa người mua
“Bây giờ chúng tôi không phải cất công lặn lội sang Trung Quốc lấy hàng nữa mà chỉ cần có một chiếc máy tính là nửa tháng sau sẽ có hàng đúng như mình cần”, anh Hoàng Đạt T một chủ đại lý bán thuốc BVTV ở Cẩm Giàng (Hải Dương) bật mí.
Giờ đây, các chủ đại lý thuốc BVTV ở Việt Nam chỉ cần ngồi nhà thiết kế nhãn mác rồi gửi mẫu sang Trung Quốc, lập tức sản phẩm được giao đến tay người muốn sở hữu. “Muốn nhãn mác nào cũng có, nhãn mác Việt, Ấn, Thái hay bất kỳ nước nào, chỉ cần gửi mẫu qua bên đó (Trung Quốc – PV) thì họ sẽ giao hàng đúng chủng loại”, anh T nói.
Chúng tôi về huyện Cẩm Giàng và huyện Nam Sách (Hải Dương) – những nơi sử dụng nhiều loại thuốc BVTV cực độc của Trung Quốc. Không khó để có loại thuốc BVTV có nhãn mác ghi tiếng Trung hay tiếng Thái trong tay. Chỉ cần kể tên bệnh của cây trồng hay hoa màu thì lập tức, sẽ được các chủ đại lý bán thuốc BVTV tư vấn dùng loại thuốc nào để đạt hiệu quả. Chính vì tin tưởng vào các đại lý nên người nông dân dễ dàng bị các đại lý bán thuốc lừa bán các loại thuốc mà chính bản thân họ không biết hiệu quả ra sao. “Hoàn toàn tin tưởng vào các đại lý, họ bảo dùng thuốc nào tốt thì chúng tôi dùng thuốc đấy, bán một bình bao nhiêu loại, số lượng bao nhiêu thì mua bấy nhiêu…”, ông D ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cho hay.
Lợi dụng lòng tin của người dân nên các chủ đại lý mặc sức tung hoành, bán các loại thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng bên ngoài vỏ thì ghi là thuốc của Đức hay của Thái sản xuất. Đây là một cách móc tiền của người nông dân, được các chủ đại lý thuốc BVTV áp dụng triệt để. Nếu mua thuốc BVTV của Đức hay của Thái thì giá thành sẽ cao, lãi sẽ không được nhiều, để kiếm được bộn tiền, các chủ đại lý đã gửi nhãn mác các loại thuốc đó sang Trung Quốc để phía bên kia họ sẽ làm nhái giống y hệt nhãn mác đó, nhưng bên trong ruột thì lại là thuốc BVTV của Trung Quốc…
Như đã nói trong số báo trước, được một chủ địa lý thuốc BVTV dẫn đường, trong vai người đi mua hàng với số lượng lớn, chúng tôi đã tiếp cận được ông Hoàng Đắc Minh, một tay chuyên làm nhái nhãn mác có tiếng ở thị trấn Bằng Tường (Trung Quốc). Ngoài việc làm nhái các nhãn mác thuốc BVTV, ông Minh cũng là một tay buôn bán thuốc BVTV “tầm cỡ” ở Bằng Tường. Khi biết tôi có ý định muốn mở một đại lý bán thuốc BVTV ở Việt Nam, ông Minh mách: “Bên anh cứ cung cấp yêu cầu về khối lượng, thể tích, mẫu mã, chữ trên vỏ thuốc muốn là chữ Tàu, chữ Việt hay chữ gì cứ gửi qua đây tôi làm được cả”.
Nói xong ông đưa chúng tôi một số mẫu hàng mà theo ông bên Việt Nam đang bán rất chạy. Trên tay chúng tôi có 7 mẫu thuốc sâu, chúng được thiết kế bắt mắt nhưng chữ viết ghi trên vỏ bao đều là chữ Trung Quốc. Một số vỏ bao ghi chữ song ngữ và có tên Lonza Meta, Thiodiazole – Coppe… Ông Minh cũng cho biết thêm: “Cứ thiết kế nhiều mẫu vào cho đa dạng sản phẩm, như vậy nông dân họ sẽ mua nhiều hơn, còn bên trong thì chúng đều giống nhau tất. Phòng khi nông dân phun thuốc này mà sâu không chết thì mình còn có mẫu mới mà đổi cho họ. Nói thì nói thế thôi chứ thuốc này thì đảm bảo yên tâm, phun xong là sâu cứ nhảy tanh tách chết luôn”.
Vì sao thuốc sâu cực độc vẫn có “đất sống”?
Vùng trồng vải ở Bắc Giang, vùng trồng lúa ở Nam Định, Thái Bình, vùng trồng dưa hấu, cà rốt ở huyện Nam Sách và Cẩm Giàng (Hải Dương) được ví như “cánh đồng thuốc độc”. Vào mỗi mùa vụ, nông dân sử dùng thuốc vô tội vạ, đã có hàng tấn thuốc BVTV được người dân tưới lên những cánh đồng. Theo điều tra của chúng tôi, hiện nay một số vùng vẫn sử dụng rất nhiều loại thuốc BVTV cực độc của Trung Quốc?
Ông Thường ở xã Thái Tân (Nam Sách, Hải Dương) cho hay: “Bà con sử dụng thuốc BVTV của Trung Quốc lâu rồi; còn đây là thuốc lậu hay không thì chúng tôi không biết. Chúng tôi chỉ quan tâm sao thuốc mua về phun mà sâu chết là được rồi”. Không riêng gì ông Thường mà đa phần bà con nông dân đều có chung suy nghĩ đó là thuốc của họ mua về sử dụng có hiệu quả, phun sâu thì sâu chết, còn những thứ khác thì họ không bận tâm…
Khi hỏi người dân “tại sao không dùng thuốc sâu của Việt Nam sản xuất?” thì chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Thuốc sâu của ta bán với giá cao, hiệu quả không bằng thuốc sâu Trung Quốc.
Chính vì lý do trên mà thuốc BVTV cực độc của Trung Quốc tồn tại ở Việt Nam một thời gian dài đến như vậy. Giá một gói thuốc “sừng trâu” từ 3.000 – 4.000 đồng, nếu mua thuốc diệt rầy khác sẽ có giá từ 6.000 - 7.000 đồng. Trong khi đó, với 1 sào Bắc Bộ (360 m2), chỉ cần dùng 2 gói thuốc “sừng trâu” là đủ, còn các loại thuốc khác thì phải dùng tới 3 gói.
“Dẫu biết rằng, sử dụng thuốc BVTV cực độc, ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người, nhưng biết làm cách nào được khi mà những người nông dân như chúng tôi - quanh năm chỉ trông vào cây lúa? Thấy lúa bị bệnh thì cũng mong mua được thuốc rẻ mà hiệu quả, bây giờ thiên tai nhiều, bớt được chi phí nào thì bớt thôi. Có những năm, thời tiết thất thường, sâu bệnh nhiều, tiền mua thuốc sâu lên tới bạc triệu chứ ít à?”, một nông dân ở Nam Sách giãi bày.
Tất cả các loại thuốc nhập lậu chỉ toàn chữ Trung Quốc này đều thể hiện độc tính bằng vạch đỏ trên bao bì. Hiện nay, ký hiệu màu sử dụng trên các sản phẩm thuốc được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại. Theo đó, những sản phẩm có in vạch màu đỏ nằm trong nhóm I, LD50 < 50 mg/kg, là những loại thuốc rất độc. Nếu chiểu theo Thông tư số 21/2013/TT-BNNPTNT thì tất cả những loại thuốc BVTV không có xuất xứ, không có nguồn gốc rõ ràng bị cấm lưu hành, sử dụng ở Việt Nam. Hiệu lực đã có từ lâu, tuy nhiên để thực hiện và kiểm soát các loại thuốc BVTV cực độc này, chúng ta còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, những kẻ hám lợi đã dễ dàng đánh lừa, móc túi người tiêu dùng để rồi chịu thiệt thòi nhất vẫn là người nông dân.
Theo Nghị định số 114/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật hành vi nhập khẩu thuốc hoặc nguyên liệu thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng ở Việt Nam mà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi sử dụng thuốc BVTV không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên bao gói gây nguy hiểm cho người, gia súc và làm ô nhiễm môi trường cũng sẽ bị phạt với mức phạt nêu trên. Đối với một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng thuốc BVTV không có tên trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và hạn chế sử dụng ở Việt Nam; sử dụng thuốc BVTV dưới dạng ống tiêm thủy tinh sẽ bị phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng. Mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng áp dụng đối với hành vi vi phạm nhập khẩu thuốc và nguyên liệu thuốc BVTV không đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Nghị định có hiệu lực thi hành từ 20/11/2013. |
Ngọc Linh