Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) là Ngân hàng TM được thành lập đầu tiên sau khi Pháp lệnh về Ngân hàng Nhà nước và Pháp lệnh Ngân hàng thương mại, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính được ban hành vào tháng 5 năm 1990 theo Giấy phép số 0001/NH-GP do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp ngày 08/6/1991, Giấy phép số 45/GP-UB do Ủy ban Nhân dân TP Hải Phòng cấp ngày 24/12/1991. Ngày 12/7/1991, MSB đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động.
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, MSB không ngừng vươn lên, tạo lập nhiều cột mốc quan trọng trong ngành tài chính ngân hàng. MSB hiện có trên 260 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và có giao dịch với hơn 500 ngân hàng đại lý tại trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. MSB hiện có gần 5.000 cán bộ, phục vụ hơn 3 triệu khách hàng cá nhân và trên 60.000 khách hàng doanh nghiệp.
Top 10 ngân hàng mua trái phiếu
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong các công điện về tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng trong hệ thống.
Theo đó, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng đã lên kế hoạch thanh tra 8 ngân hàng thương mại gồm Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Baoviet Bank).
Đáng chú ý đây là 8 cái tên góp mặt trong Top 10 ngân hàng thương mại (không tính các đơn vị có vốn Nhà nước) đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất. Trong đó 2 cái tên còn lại trong Top 10, nhưng không bị thanh tra là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).
Tại thời điểm cuối năm 2021, MSB đã rót 3.039 tỷ đồng vào trái phiếu, tương đương 1,49% tổng tài sản ngân hàng. Tới năm 2022, dòng tiền đổ vào trái phiếu tại MSB lại gia tăng khi chỉ tiêu Chứng khoán nợ của các Tổ chức kinh tế trong nước đạt 3.615 tỷ đồng.
Không rõ MSB đầu tư trái phiếu vào doanh nghiệp ngành nghề nào nhưng Bộ Tài chính cho biết năm 2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu với giá trị cao gấp nhiều lần vốn, không ít trong số đó không có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, MSB - một ngân hàng liên quan đến hệ sinh thái bất động sản có quy mô lớn cho vay bất động sản với tỷ lệ lớn.
Tại ngày 31/02/2022, MSB đã rót 11.162 tỷ đồng vào kinh doanh bất động sản và cơ sở hạ tầng, tương ứng 10,09% tổng dư nợ tín dụng. Hồi cuối năm 2021, con số này là 12.136 tỷ đồng, tương đương 11,95%.
Thu xếp trái phiếu không tài sản đảm bảo
2021 là năm Công ty Cổ phần Bất động sản Mỹ (Bất động sản Mỹ) phát hành trái phiếu. Hồi tháng 8, Bất động sản Mỹ phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm và lãi suất 10% mỗi năm.
Trước đó, trong khoảng thời gian từ 11/05 - 20/6/2021, công ty này cũng đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm. Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo.
Lô trái phiếu này được một nhà đầu tư tổ chức trong nước mua vào dưới sự thu xếp của Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam và MSB.
Mặc dù phát hành ngàn tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021 nhưng năm 2020 mới là năm “bội thu” trái phiếu của Bất động sản Mỹ khi công ty phát hành tới 5.000 tỷ đồng trái phiếu tính chung cả năm. Đa số đều là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, lãi suất danh nghĩa ở mức 10,2% với kỳ hạn trả lãi là một năm/lần. Đại lý đăng ký lưu ký vẫn là MSB.
Năm 2020, MSB góp mặt trong các đợt phát hành trái phiếu của một tập đoàn bất động sản được cho là “có liên quan” khi mà pháp nhân này đã ghi nhận nợ vượt xa vốn chủ sở hữu. Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2020, nợ phải trả tại Tập đoàn đó lên tới 8.963 tỷ đồng, cao gấp 4,2 lần vốn chủ sở hữu công ty và chiếm 81% tổng nguồn vốn.
Một thương vụ thu xếp trái phiếu khác của MSB cũng được chú ý vì thương hiệu được nhắc đến là Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).
Ngày 10/09/2021, PG Bank đã phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm và không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành. Lãi suất phát hành thực tế là 4,3%/năm.
Trái chủ của lô trái phiếu này được tiết lộ là một ngân hàng trong nước. Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect là tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu. MSB là tổ chức đăng ký, lưu ký. Thương vụ này được chú ý vì trước đó dư luận xôn xao tin đồn MSB thâu tóm PG Bank.
Phát hành trái phiếu IOC cao gấp 5 lần vốn điều lệ
Ngày 01/09/2011, MSB ký Hợp đồng mua 500 trái phiếu với tổng trị giá là 500 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển đầu tư - IOC (IOC) phát hành. MSB khẳng định mua 500 trái phiếu do IOC phát hành đúng thủ tục theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, ngay từ ban đầu, đợt phát hành này đã tiềm ẩn không ít rủi ro. Đó là IOC có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, phát hành trái phiếu 500 tỷ đồng, cao gấp 5 lần vốn.
MSB khẳng định theo Luật Chứng khoán, để phát hành trái phiếu ra công chúng, tổ chức phát hành chỉ cần có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên. Đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của IOC, Nghị định 52 không có quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu phải đăng ký.
Lãi suất trái phiếu lên tới 15%/năm, gấp 3 lần tỷ suất lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm liên tiếp là 5,3%/năm. MSB phân tích Nghị định 52 - văn bản pháp luật chuyên ngành về phát hành trái phiếu thuộc hệ thống văn bản pháp luật về chứng khoán cũng không quy định về tỷ suất lợi nhuận này.
Những rủi ro về giá trị trái phiếu quá lớn so với vốn chủ sở hữu và lãi suất trái phiếu cao gấp nhiều lần tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp đã cho thấy rủi ro... là có thật.
Sau khi có trong tay 500 tỷ đồng vốn từ MSB, Công ty IOC bắt đầu tuột dốc. Tới năm 2016, công ty đã âm vốn tới 147 tỷ đồng. Con số này tăng lên âm 398 tỷ đồng hồi cuối năm 2020.
Đến hạn thanh toán, Công ty IOC không trả được nợ nên MSB đã khởi kiện Công ty IOC ra Tòa án có thẩm quyền theo quy định.
Vụ án được giải quyết bằng Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 08/2016/QĐST-KDTM ngày 28/9/2016 của Tòa án thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Công ty IOC phải thanh toán nợ cho MSB số tiền 687.885.000.000 đồng (Sáu trăm tám mươi bảy tỷ, tám trăm tám mươi lăm triệu đồng) và lãi phát sinh kể từ thời điểm thi hành án.
Tuy nhiên, sau đó, các cổ đông và Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới của IOC đã rà soát hồ sơ và phát hiện ra năm 2011, IOC đã phát hành trái phiếu trái phép khi không đủ điều kiện, không tuân thủ quy định về phương thức phát hành nhưng vẫn được MSB chấp nhận mua. Và năm 2020, “cuộc chiến” này vẫn chưa kết thúc./.
H.T (t/h)