Nhìn từ thương hiệu phát triển bền vững…

Ngày 26/12/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 345/2005/QĐ-TTg thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam bắt đầu hoạt động từ 01/01/2006, khoác trên mình 06 sứ mệnh: Phát triển công nghiệp than, công nghiệp khoáng sản, công nghiệp điện, vật liệu nổ công nghiệp và các ngành, nghề khác một cách bền vững; Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Tập đoàn, bảo đảm an toàn lao động và bảo vệ môi trường sinh thái; Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương và phát triển cộng đồng; Không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên chức và người lao động; Đáp ứng nhu cầu than của nền kinh tế; đóng góp ngày càng nhiều vào việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Từ khi thành lập đến nay, TKV đã có nhiều lần tái cơ cấu, thay đổi mô hình hoạt động. Thế nhưng, quan điểm phát triển của TKV luôn được thể hiện rõ: Phát triển Tập đoàn các công ty Than - Khoáng sản Việt Nam theo phương châm phát triển bền vững: “Từ tài nguyên kháng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh; thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; hài hoà với địa phương và cộng đồng; hài hoà với đối tác và bạn hàng; hài hoà giữa các công ty thành viên và người lao động” với mục tiêu “Vì một tập đoàn các công ty Than - Khoáng sản Việt Nam Giàu mạnh - Thân thiện - Hài hoà”.

Mục tiêu phát triểm rất rõ ràng: Xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu hợp lý; tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp; Nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo báo cáo của TKV, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu toàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ước đạt 79.937 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 2.000 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước hơn 11 nghìn tỷ đồng, bằng 61% kế hoạch năm; tiền lương bình quân của người lao động đạt 14,16 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số quy định trong tập đoàn này đã bộc lộ nhiều tồn tại ít nhiều ảnh hưởng tới những kết quả thương hiệu TKV đã dựng xây.

Tới dấu hỏi câu chuyện lợi ích trong các Quyết định của TKV?

Theo hồ sơ của phóng viên Thương hiệu và Công luận, ngày 15/11/2018, Tổng giám đốc Đặng Thanh Hải,  ký ban hành quyết định số 1999/QĐ-TKV về việc quy định về công tác thuê ngoài trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.

Theo đó, tại khoản 2 điều 2 phần I quy định chung về công tác thuê ngoài trong tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam quy định rõ: “… Thực hiện quy định về quản lý tài nguyên, các đơn vị không được thuê các đơn vị ngoài Tập đoàn vận chuyển than, đất đá lẫn than, bã sàng lẫn than, thuê ngoài chế biến than nguyên khai, đất đá lẫn than..”

Tưởng rằng quy định này rất chặt chẽ, thế nhưng quy định này cũng rất mở khi quy định “…Trong trường hợp đặc biệt, căn cứ báo cáo của đơn vị Tổng giám đốc TKV sẽ xem xét giải quyết theo văn bản hướng dẫn riêng..”?

Quyết định
Các định quyết do ông Đặng Thanh Hải - Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam quy định rõ: “… Các đơn vị không được thuê ngoài Tập đoàn để thực hiện các công đoạn như vận chuyển than, đất đá lẫn than, bã sàng lẫn than; chế biến than (bao gồm chế biến, nâng cấp từ nguồn nguyên khai, chế biến các sản phẩm ngoài than)…”

Tiếp đó, ngày 18/5/2021, ông Đặng Thanh Hải tiếp tục ký quyết định số 663/QĐ-TKV về việc Ban hành quy định quản lý trong công tác thuê ngoài một số công đoạn chính phục vụ sản xuất, tiêu thụ Than – Khóang sản trong Tập đoàn. Điều 2 của quyết định này nêu rõ: “Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và bãi bỏ hiệu lực của Quyết định số 1999/QĐ – TKV ngày 15/11/2018 về việc quy định về công tác thuê ngoài trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Mặc dù có quyết định thay thế, thế nhưng nội dung cả quyết định dường như không thay đổi.

Cụ thể, tại khoản 4 điều 4 của quyết định trên quy định rõ: “… Các đơn vị không được thuê ngoài Tập đoàn để thực hiện các công đoạn như vận chuyển than, đất đá lẫn than, bã sàng lẫn than; chế biến than (bao gồm chế biến, nâng cấp từ nguồn nguyên khai, chế biến các sản phẩm ngoài than)…”

Theo tìm hiểu của phóng viên Thương hiệu và Công luận, sau thời điểm văn bản này được ban hành, có rất ít đơn vị trực thuộc tập đoàn được thực hiện các công việc sản xuất than trong quy định trên.

Cụ thể, ngày 28/4/2022, ông Nguyễn Quang Quảng - Giám đốc Công ty cổ phần than Hà Tu – Vinacomin ký quyết định số 1199/QĐ – VHTC về việc phê duyệt lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu số 07: Thuê ngoài chế biến than sạch từ nguồn đất đá lẫn than bùn. Theo đó, đơn vị trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Tuấn Cường HPT và Công ty TNHH Thái Dương. Hồ sơ công ty thể hiện rõ 2 đơn vị này nằm ngoài Tập đoàn, không nằm trong Tổ hợp Công ty mẹ – Công ty con Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam?

Tại Công ty than Núi Béo Vinacomin, từ năm 2018 đến năm 2020, tại các quyết định lựa chọn nhà thầu do ông Ngô Thế Phiệt – Giám đốc ký thì các công ty: Công ty TNHH Công Oanh; Công ty TNHH Thái Dương; Công ty CP Kim Khí 893 luôn là các đơn vị thay nhau trúng thầu các gói thầu chế biến than sạch bằng hệ thống tuyển rửa.

Thậm chí, ở gói thầu chế biến than sạch bằng Hệ thống tuyển rửa kho CT CBT và CT Vỉa 14 phục vụ SXKD năm 2019 có giá dự toán là 47.058.126.000 VND (Bốn mươi bảy tỷ không trăm năm mươi tám triệu một trăm hai mươi sáu nghìn đồng), thì cả 3 nhà thầu này đều là đơn vị trúng thầu với giá 47.048.740.000 VND (Bốn mươi bảy tỷ không trăm bốn mươi tám triệu bảy trăm bốn mươi nghìn đồng),

Như vậy, đối với gói thầu hơn 47 tỷ, nhưng Công ty cổ phần than Núi Béo chỉ tiết kiệm được 9.520.000VND (Chín triệu năm trăm hai mươi nghìn đồng), tỷ lệ tiết kiệm chỉ đạt vỏn vẹn 0,02%? Và điều đáng chú ý hơn cả là 3 nhà thầu trên đều là các công ty nằm ngoài Tập đoàn?

Tương tự, tại Công ty cổ phần than Hà Lầm Vinacomin, Công ty cổ phần vận tải Quảng Ninh là cái tên quen thuộc trong việc trúng các gói thầu: Thuê ngoài chế biến than sạch từ nguồn đất đá lẫn than và bã sàng thải lẫn than năm 2020, 2021; Thuê ngoài Tuyển từ nguồn nguyên khai ra các chủng loại than cám 3b.1, cám 4a.1 và các chủng loại than khác năm 2021; Thuê ngoài Tuyển từ nguồn nguyên khai ra các chủng loại than chất lượng năm 2022;… Các quyết định lựa chọn nhà thầu do ông Vũ Ngọc Thắng – Giám đốc Công ty cổ phần than Hà Lầm Vinacomin ký. Đây cũng là nhà thầu tham gia trực tiếp vào công đoạn chế biến than nhưng không nằm trong Tập đoàn như TKV đã quy định.

Còn tại Công ty than Mạo Khê – TKV, Công ty than Nam Mẫu – TKV và Công ty cổ phần than Vàng Danh Vinacomin thì một Công ty Cổ phần “độc diễn”, liên tiếp trúng các gói thầu chế biến than ở cả 3 công ty chi nhánh của Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam.

Cụ thể, Công ty đã trúng nhiều gói thầu chế biến than tại tại Công ty Than Nam Mẫu – TKV như: Chế biến đá tuyển huyền phù năm 2021 và năm 2022, gói thầu Thu hồi than cám từ nước than bùn (vắt khô than bùn tuyển) năm 2022, gói thầu Thu hồi than cám từ nước than bùn (vắt khô than bùn tuyển) giai đoạn 2 năm 2021,… do Công ty Than Nam Mẫu - TKV là bên mời thầu.

Tại Quyết định số 202/QĐ-TMK-KH do ông Nguyễn Văn Tuân – Giám đốc Công ty than Mạo Khê TKV ký ngày 17/01/2022 về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Tuyển than cám 7a năm 2022 do Công ty than Mạo Khê TKV là bên mời thầu có giá trị 27.867.332.675 VND (Hai mươi bảy tỷ tám trăm sáu mươi bảy triệu ba trăm ba mươi hai nghìn sáu trăm bảy mươi lăm đồng chẵn). Công ty  tiếp tục là đơn vị trúng thầu với giá 27.746.847.150 VND (Hai mươi bảy tỷ bảy trăm bốn mươi sáu triệu tám trăm bốn mươi bảy nghìn một trăm năm mươi đồng).

Và đặc biệt, tại gói thầu: Thuê công đoạn xử lý than bùn bể và than bùn sau lọc ép về độ ẩm 10-:-11% bằng công nghệ sấy do Công ty cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin có giá trị 201.617.460.000 VND (Hai trăm lẻ một tỷ sáu trăm mười bảy triệu bốn trăm sáu mươi nghìn đồng chẵn). Tại quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu số 725/QĐ-TVD-KH do ông Phạm Văn Minh – Giám đốc Công ty cổ phần than Vàng Danh - Vinacomin ký ngày 22/05/2020, Công ty  tiếp tục là đơn vị trúng thầu với giá 189.569.913.500 VND (Một trăm tám mươi chín tỷ năm trăm sáu mươi chín triệu chín trăm mười ba nghìn năm trăm đồng) với thời gian thực hiện là hợp đồng gói thầu là 65 tháng.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý, kinh doanh khoáng sản thì những Quyết định mà TKV ban hành tưởng chặt chẽ nhưng lại có cơ chế mở để các đơn vị thuộc TKV doanh nghiệp bên ngoài tham gia vào các gói thầu liên quan các công đoạn chế biến than mà TKV đang không cho phép.

“Vận chuyển than, đất đá lẫn than, bã sàng lẫn than, thuê ngoài chế biến than nguyên khai, đất đá lẫn than là những hoạt động nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới chất lượng, sản lượng than thành phẩm. Nhiều nhà thầu ngoài đã vận dụng, biến tướng hoạt động này chính vì vậy mới dẫn đến những vụ khai thác, vận chuyển, buôn lậu than trá phép. Điều này gây thất thoát tài nguyên, thất thu cho ngân sách nhà nước”. Chuyên gia nhấn mạnh

Nhìn vào “bức tranh” thuê ngoài này của TKV có thể thấy, từ năm 2018 đến thời điểm hiện tại phần lớn các công đoạn chế biến than đều được các công ty thuộc TKV triển khai theo hình thức đấu thầu thuê ngoài. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi có hay không câu chuyện lợi ích nhóm từ các quyết định về công tác thuê ngoài? Liệu sự việc này có phải một trong những nguyên nhân dẫn đến những sai phạm để lại hậu quả nghiêm trọng tại TKV trong thời gian vừa qua?

Các công ty trên là ai? Tại sao các công ty trên lại thường xuyên trúng các gói thầu có giá trị lớn với tỷ lệ tiết kiệm rất thấp tại các công ty thuộc TKV qua các thời kỳ? Thương hiệu và công luận sẽ thông tin tới đọc giả trong bài viết tiếp theo.

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1421/QĐ-TTg ngày 15/11/2022 về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Quyết định nêu rõ, thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Thời gian thi hành kỷ luật tính từ thời điểm công bố Quyết định số 580-QĐ/TW ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật đảng.

Trước đó, tại kỳ họp ngày 20-22/06/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy TKV nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Ba người bị cảnh cáo gồm ông Lê Minh Chuẩn (Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên); Đặng Thanh Hải (Phó bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc); Nguyễn Ngọc Cơ (Phó tổng giám đốc, nguyên Đảng ủy viên Tập đoàn). Ông Phan Xuân Thủy, Đảng ủy viên, Phó tổng giám đốc TKV, bị khiển trách.

Theo nhận định của UBKT Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Hội đồng thành viên, một số cán bộ Lãnh đạo Tập đoàn và đơn vị cấp dưới vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư một số dự án, trong quản lý, khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.

UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo, xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến các vi phạm nêu trên.

Khánh Quyên