Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Thương vụ, hiện tại Việt Nam vẫn duy trì là một trong những nước có thị phần và kim ngạch xuất khẩu lớn nhất khu vực Châu Á sang thị trường Tây Ban Nha, chỉ xếp sau các đối tác vốn được xem là chiến lược của bạn như Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản, xếp trên tất cả các nước ASEAN khác.

Để gia tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Tây Ban Nha, Thương vụ Việt Nam tại đây đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này. Trong đó, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh là nhiệm ưu vụ được ưu tiên hàng đầu.

Mới đây nhất, từ 03-05/10, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha đã tham gia Hội chợ Rau quả Quốc tế 2023 (Fruit Attraction 2023) tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Madrid (IFEMA), thành phố Madrid. Đây là sự kiện quốc tế được tổ chức vào đầu tháng 10 hàng năm với quy mô trưng bày chuyên về ngành hàng rau quả thuộc diện lớn nhất Châu Âu hiện nay. Ngay tại Hội chợ, Thương vụ đã trao đổi với đại diện Cảng vụ Algeciras (nằm ở phía Nam của Tây Ban Nha) về việc tăng cường phối hợp tạo thuận lợi hơn cho hoạt động thông quan và giải quyết các vấn đề phát sinh tại cảng đối với hàng hóa nhập khẩu đến từ Việt Nam, từ đó mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam.

Đưa ra các giải pháp thúc đẩy quan hệ giao thương giữa hai nước trong thời gian tới, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường và thường xuyên cập nhật các quy định, chính sách mới của nước sở tại để chủ động các kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như xuất khẩu.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha khẳng định, Thương vụ sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại; cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại, để doanh nghiệp chủ động các kế hoạch khai thác thị trường, tận dụng có hiệu quả các FTA.

Hà Trần (t/h)