Theo Bộ Tài chính, công tác quản lý, điều hành giá các tháng còn lại năm 2021 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ. Kiểm soát CPI bình quân cần hướng đến kiểm soát cả CPI tháng 12, làm nền tảng cho kiểm soát lạm phát năm 2022.
Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính với tư cách là thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã tiếp tục tham mưu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp cần triển khai thực hiện.
Trong đó, kiến nghị chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung và của các quốc gia, phản ứng chính sách về tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế lớn, nhất là các nền kinh tế có kim ngạch xuất nhậu khẩu lớn với Việt Nam nhằm có các biện pháp tổng thể, dài hạn trong việc quản lý, điều hành giá. Qua đó, giúp kiểm soát lạm phát trong nước giai đoạn trung hạn các năm tiếp theo thời kỳ hậu COVID-19 khi các chính sách nới lỏng tiền tệ của các nước bắt đầu khiến áp lực lên lạm phát trung hạn tăng cao.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân. Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2021.
Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung. Qua đó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội 8 tháng đầu năm của Tổng Cục Thống kê (GSO), trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với cùng kỳ năm trước.
Ngọc Khánh