Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga). Ảnh minh họa: EPA/TTXVN
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn Gazprom (Nga). Ảnh minh họa: EPA/TTXVN

Ông Yushkov cho rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội cho khí đốt của Nga và Iran tại thị trường Ấn Độ. Chuyên gia này đánh giá: “Ấn Độ là thị trường lớn đối với khí đốt tự nhiên. Và thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng”.

Ông cũng đề cập đến khả năng Iran xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng đây có thể là một động thái rủi ro khi xét đến kế hoạch của châu Âu ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2050. Do đó, dường như có nhiều khả năng hơn châu Á và Ấn Độ sẽ nhận khí đốt Nga xuất khẩu qua Iran.

Tuy nhiên, cần giải quyết một số vấn đề để triển khai thành công dự án Nga-Iran này. Ví dụ như xây dựng đường ống dưới biển xuyên Biển Caspi để vận chuyển trực tiếp khí đốt tự nhiên từ Nga đến Iran. Bên cạnh đó là cần có sự đồng thuận của tất cả các quốc gia ven Biển Caspi, bao gồm Azerbaijan, Kazakhstan và Turkmenistan để xây dựng được đường ống như vậy.

Một chuyên gia khác của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia – ông Stanislav Mitrakhovich phân tích rằng Iran sở hữu nhiều khí đốt tự nhiên và dự án đường ống mới có thể nhằm mục đích xuất khẩu khí đốt của Nga sang Ấn Độ. Ông lập luận: “Có thể xây dựng một đường ống từ Iran tới Ấn Độ”.

Tuy nhiên, ông Mitrakhovich lưu ý rằng việc xây dựng một đường ống như vậy đòi hỏi phải đạt được thỏa thuận với Pakistan - nếu đường ống từ Iran đến Ấn Độ được xây dựng qua quốc gia đó - hoặc xây dựng một đường ống dẫn trực tiếp từ bờ biển Iran đến Ấn Độ.

Bộ trưởng Dầu khí Iran Javad Owji tuyên bố Moskva và Tehran ngày 22/7 đã đạt được thỏa thuận chiến lược về xuất khẩu khí đốt của Nga sang Iran. Bộ trưởng Javad Owji cho biết: “Với thỏa thuận này, tỷ trọng thương mại của Iran sẽ tăng lên, kéo theo thay đổi trong cán cân quốc tế. Nói cách khác, thỏa thuận này sẽ đóng vai trò như một cuộc cách mạng trong bối cảnh năng lượng và công nghiệp của khu vực”. Một số chi tiết về thỏa thuận được ký kết giữa tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga và Công ty Khí đốt Quốc gia Iran đã được công bố với báo chí.

Theo thỏa thuận, Iran có thể bắt đầu nhận được số lượng lớn khí đốt tự nhiên của Nga, lên tới 300 triệu mét khối mỗi ngày hoặc gần 110 tỷ mét khối mỗi năm, xấp xỉ 45% mức tiêu thụ khí đốt hiện tại của Iran. Hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran dẫn lời Bộ trưởng Owji cho biết dự án này cũng liên quan đến việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên xuyên Iran, với doanh thu hàng năm của liên doanh này ước tính khoảng 10-12 tỷ USD.

Theo Sputnik