Tiềm năng về du lịch biển
Với bờ biển dài 105km trải dài từ Bắc tới Nam, những dãy núi cao đâm ra biển tạo nên những vũng vịnh với biển xanh - cát trắng - nắng vàng như: Ninh Chữ, Bình Tiên, Cà Ná, đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh, Hang Rái,... Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam và là một trong 9 vùng sinh quyển của thế giới.
Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất Ninh Thuận các vùng sinh thái đặc thù, là lợi thế để phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, trong đó có Vườn quốc gia Phước Bình, Vườn quốc gia Núi Chúa thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng của quốc gia, là nơi bảo tồn sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, biển Nam Trung Bộ với các loài động, thực vật quý hiếm và cũng là nơi bảo tồn loài rùa biển trong nước. Các bãi rạn san hô biển với trên 356 loài phân bố ở vùng ven biển Vĩnh Hy - Thái An, Nam Cương - Phú Thọ cũng đang được bảo tồn, khai thác phát triển du lịch.
Sở hữu tài nguyên tự nhiên phong phú, bao đời nay biển không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống mà còn là không gian để cộng đồng cư dân ven biển Ninh Thuận xây dựng nên một nền văn hóa biển với những di sản văn hóa đặc sắc. Đó là hệ thống di tích lịch sử, văn hóa liên quan đến môi trường biển, các lễ hội dân gian; hệ thống tín ngưỡng, phong tục tập quán; nghệ thuật diễn xướng dân gian; tri thức bản địa; văn hóa ẩm thực đặc thù của cư dân miền biển... Ðây chính là nguồn tài nguyên nhân văn giàu có để tỉnh phát triển du lịch biển bền vững.
Nắm bắt thế mạnh trên, dọc theo cung đường ven biển của tỉnh Ninh Thuận đã và đang được rất nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực trong lĩnh vực du lịch quan tâm nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch các phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết khu đô thị du lịch, các dự án du lịch quy mô lớn, trọng điểm.
Những năm qua, ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận được ưu tiên đầu tư phát triển và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, tạo nhiều việc làm cho nhân dân các địa phương ven biển, bảo vệ tài nguyên, môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh biển, đảo.
Doanh thu du lịch tăng 48%
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Ninh Thuận, trong 06 tháng vừa qua, Sở tập trung thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch; phối hợp khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng tại huyện Bác Ái.
Tiếp tục hỗ trợ cho 2 hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do dịch Covid-19. Cấp 2 Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và 3 thẻ hướng dẫn viên du lịch, nâng tổng số hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành và 32 hướng dẫn viên du lịch.
Công tác thông tin, quảng bá xúc tiến du lịch được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Sở đã tham mưu tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Thuận tại tỉnh Quảng Nam và Hội nghị Xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Thuận tại TP. HCM.
Tổ chức Hội nghị ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch Ninh Thuận - Lâm Đồng giai đoạn 2022-2025 và tổ chức đón tiếp, giới thiệu điểm đến du lịch Ninh Thuận cho Đoàn Famtrip tỉnh Lâm Đồng; tham gia gian hàng giới thiệu, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Lễ hội Hoa Ban tỉnh Điện Biên và tại sự kiện Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh năm 2022.
Tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng trong 06 tháng đầu năm 2022 ước đạt 1.436.800 lượt (tăng 27,9% so cùng kỳ, đạt 75,6% so với kế hoạch); trong đó, khách là người nước ngoài công tác, làm việc tại tỉnh ước đạt 4.940 lượt; khách nội địa ước đạt 1.431.860 lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch khoảng 1.051 tỷ đồng (tăng 48% so cùng kỳ, đạt 75,1% so với kế hoạch).
Để đưa ngành du lịch tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025 và thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững vào năm 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định cần phải tập trung tham mưu tổ chức thực hiện đạt kết quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/08/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời tham mưu triển khai thực hiện tốt Đề án Phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Trong đó phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu: “Phát triển du lịch theo hướng toàn diện, cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; có tính chuyên nghiệp; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch tương đối đồng bộ, hiện đại; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có tính cạnh tranh cao, có thương hiệu. Phấn đấu đến năm 2025, thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh. Đến năm 2030, du lịch Ninh Thuận thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch đặc biệt hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao so với khu vực và cả nước; phấn đấu đón 6 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động của toàn tỉnh”.
Hà Trần