Theo báo cáo, thực hiện Quyết định số 2544/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Chính phủ về Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm (THTK), chống lãng phí (CLP) giai đoạn 2016 -2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định 1630/QĐ-UBND ngày 25/7/2017 về THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Trong đó đã đề ra mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ trọng tâm và các chỉ tiêu về THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2020 của địa phương.
Đối với công tác thanh tra, UBND tỉnh giao thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2020; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về THTK, CLP và việc thực hiện Chương trình THTK, CLP trong phạm vi quản lý.
Đồng thời, Sở Tài chính có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về THTK, CLP đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; trong đó, có nội dung thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của UBND tỉnh về THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2020 và việc xây dựng, Kế hoạch thực hiện Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2016 - 2020 của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố.
Hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về chương trình THTK, CLP để tổ chức triển khai thực hiện.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng cụ thể hóa các chỉ tiêu tiết kiệm; tổ chức điều hành dự toán ngân sách, chấn chỉnh thực thi nhiệm vụ hành chính, công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương Nhà nước.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, với chức năng tham mưu tổng hợp báo cáo về nội dung THTK, CLP trên địa bàn tỉnh tỉnh; hàng năm, Sở Tài chính đã hướng dẫn, tổng hợp, đôn đốc các cơ quan, đơn vị báo cáo để Sở Tài chính tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Đối với ngành Thanh tra, trên cơ sở định hướng hàng năm của Thanh tra Chính phủ, chương trình hành động thực hiện tiết kiệm, CLP của UBND tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương; hàng năm, Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh; Thanh tra tỉnh góp ý đối với các kế hoạch thanh tra hàng năm của các sở, ngành, UBND cấp huyện đảm bảo nội dung thanh tra có lồng ghép các nội dung về THTK, CLP, nhất là lĩnh vực quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản công, đầu tư công để đánh giá, kết luận việc thực hiện các định mức, chế độ, tiêu chuẩn đối với các đơn vị được thanh tra.
Từ năm 2016-2021, thông qua các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và các cuộc thanh tra về phòng, chống tham nhũng, toàn ngành Thanh tra Lâm Đồng đã tiến hành 814 cuộc thanh tra có liên quan đến THTK, CLP. Nội dung thanh tra lồng ghép các vấn đề về THTK, CLP như: Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn, ngân sách Nhà nước, tài sản Nhà nước (đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư…) thanh tra công vụ trong việc chấp hành giời giấc làm việc, thời gian lao động; thanh tra việc quản lý, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên (đất đai, khoáng sản…); thanh tra việc chấp hành về pháp luật thuế, nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đối với tổ chức, cá nhân.
Trong những năm qua, ngành Thanh tra Lâm Đồng tiến hành các cuộc thanh tra tập trung vào các nội dung dễ dẫn tới tham nhũng, lãng phí trên một số lĩnh vực như: Trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách Nhà nước. Trong quản lý chương trình mục tiêu quốc gia. Trong quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công. Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên.
Công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế: Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các đề án chống thất thu thuế trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, chuyển nhượng bất động sản, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, kinh doanh ăn uống, kinh doanh vận tải, khai thác tài nguyên khoáng sản… trong đó, đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm quản lý đối tượng nộp thuế, quản lý tiền nộp thuế, chống thất thu trên từng lĩnh vực.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra: Tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, lĩnh vực có khả năng thất thu cao về thuế; thành lập các đoàn chống thất thu thực hiện việc chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế… Triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung kiến nghị của thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.
Thực hiện quản lý chặt chẽ thời gian lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng và bảo đảm hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, công sở.
Nguồn thanhtra.com.vn