(TH&CL)Ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, năm nay, số tiền viện trợ cho Việt Nam (ODA) ít nhất bằng năm tài khóa 2013 (khoảng 200 tỷ yên, tương đương 3,5 tỷ USD). Với sự hợp tác chặt chẽ của hai phía Việt Nam và Nhật Bản, ODA Nhật Bản đã và đang phát huy một cách có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam
Không ngừng hỗ trợ cho Việt Nam
Trong suốt 20 năm qua, Nhật Bản đã cung cấp ODA nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, cải cách cơ chế, chính sách…
Ông Mori đánh giá cao những dự án lớn ở Việt Nam trong năm qua có dùng nguồn vốn Nhật Bản, như: Dự án đường vành đai 3 Hà Nội, nhà ga hành khách số 2 sân bay Nội Bài và khẳng định một trong những điểm chú trọng của Nhật Bản trong năm 2014 là hướng tới một xã hội tương lai an toàn, nhiều lựa chọn cho thế hệ trẻ. Ông nhấn mạnh, ngoài việc đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng, phía Nhật Bản sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ cũng như kinh nghiệm để vận hành và bảo trì dự án một cách hiệu quả.
Đơn cử, dự án cảng Lạch Huyện vừa được khởi công ngày 15/2 vừa qua tại Hải Phòng, Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho hay, Nhật Bản đang cùng Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cơ sở dữ liệu để có thể bảo trì, bảo đảm an toàn ngay sau khi xây dựng xong.
Về dự án đường sắt đô thị, ông Mori Mutsuya cho biết: “Hiện Nhật Bản đang tiến hành chuyển giao công nghệ và kỹ thuật cần thiết cho Việt Nam với sự hợp tác từ phía Công ty TNHH Tokyo Metro và Sở Giao thông Vận tải thành phố Osaka. JICA sẽ tiếp tục kết hợp hỗ trợ phần cứng và phần mềm kỹ thuật để phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Việt Nam”.
Một vấn đề khác được ông Mori nhấn mạnh trong thời gian tới đó là an toàn thực phẩm và cải thiện môi trường đô thị.
Đại diện JICA Việt Nam khẳng định: “Để giúp người dân Việt Nam có thể an tâm sinh sống và tạo được nhiều lựa chọn cho thế hệ trẻ, Nhật Bản sẽ thực hiện hợp tác kỹ thuật để hỗ trợ Việt Nam xây dựng, tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát thực phẩm. Mặt khác, phía Nhật Bản cũng đang nghiên cứu, đề xuất mô hình dành cho Việt Nam để đảm bảo ngay cả các hộ nông dân sản xuất với quy mô nhỏ cũng có thể áp dụng để sản xuất nông sản an toàn một cách dễ dàng”.
Hướng đến các dự án PPP
Thực tế, một số dự án có phát sinh kéo dài thời gian thực hiện do chậm trễ trong thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, đồng thời cũng còn tồn tại một số vấn đề do sự chậm trễ xây dựng khung văn bản pháp lý liên quan. Đứng trên lập trường của cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản, đại diện của JICA chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiến hành trao đổi, thảo luận cũng như hỗ trợ xây dựng các quy định liên quan trong trường hợp cần thiết nhằm hướng tới giải quyết các vấn đề”.
Ông Mori cũng cho biết, trong thời gian tới, những ưu tiên và định hướng của JICA trong chính sách ODA với Việt Nam là tiếp tục hỗ trợ một cách cân bằng trên phương diện rộng, tập trung vào 3 lĩnh vực trọng điểm: Thúc đẩy tăng trưởng và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế; tăng cường quản trị nhà nước và hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, với phương châm cơ bản là hỗ trợ cho Việt Nam đạt được mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.
Trong tương lai, JICA mong muốn sẽ tích cực hỗ trợ cả trong lĩnh vực cải cách DNNN, các biện pháp ứng phó với các vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu… để Việt Nam có thể phát triển kinh tế xã hội hơn nữa.
Qua đó, sẽ có 12 dự án hợp tác kỹ thuật và 71 khóa đào tạo sẽ được thực hiện thông qua vốn vay ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm tài khóa 2014.
Từ thực tế triển khai và giải ngân vốn ODA của Việt Nam năm 2013, định hướng JICA đưa ra trong năm 2014 sẽ chú trọng đào tạo nguồn nhân lực và hướng đến các dự án theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Tuy nhiên, ông Mori cũng cho rằng, thu hút vốn để xây dựng các dự án PPP là khó, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước châu Á.
Năm tài khóa 2014 của Nhật Bản bắt đầu từ 1/4/2014 đến hết tháng 3 năm sau. Trước mắt, định hướng tổng vốn vay ưu đãi của Nhật Bản cho Việt Nam trong năm tài khóa này đang được phê duyệt, nhưng ông Mori cho rằng, vẫn sẽ duy trì ổn định và ở mức cao.
Box: Ông Mori Mutsuya, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam: “Vẫn biết vốn ưu đãi ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam là chú trọng vào xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác kỹ thuật hay chuyển giao công nghệ... nhưng hãy hiểu rằng, tất cả chỉ để hướng đến người dân có một cuộc sống tốt đẹp hơn, an toàn hơn và được lựa chọn nhiều hơn. Bởi vốn ODA chúng tôi có được là dựa trên nguồn thuế thu từ người dân Nhật Bản nên chúng tôi mong đối tượng tiếp nhận sẽ thu được những lợi ích từ nó”.
Hoan Nguyễn