Thông tin tại diễn đàn, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản quan trọng của Việt Nam. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản có sự tăng trưởng đều trong năm 2023 và 11 tháng đầu năm 2024 đều có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 16 tỷ USD (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng đến 29% đến 40% so với cùng kỳ các năm 2020 và 2021), trong đó xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD (tăng 11%), các mặt hàng tăng trưởng mạnh như rau quả xấp xỉ 4,1 tỷ USD tăng 28,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD tăng 22,3%; thủy sản đạt 1,4 tỷ USD tăng 23,2%. Một số mặt hàng xuất khẩu khác như sắn, cao su, gạo, hạt điều, cà phê, chè, thức ăn gia súc, sản phẩm mây tre cói thảm. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đã mở cửa thị trường cho rất nhiều sản phẩm trái cây, sản phẩm có nguồn gốc động vật (sữa, tổ yến, khỉ nuôi, cá sấu) và thủy sản.
Phát biểu chào mừng tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh khẳng định: Tỉnh Lạng Sơn cam kết thực hiện nhất quán chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, thân thiện; tăng cường phối hợp với các cơ quan trung ương, cơ quan phía Quảng Tây, Trung Quốc, và các địa phương vùng trồng nông sản xuất khẩu trong nước để kịp thời triển khai công tác quản lý chuyên ngành và tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản.
Tại diễn đàn, ông Châu Binh, Tuần thị viên cấp 2 Chính quyền nhân dân thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc thông tin: Thành phố Sùng Tả, Quảng Tây có 4 huyện và thị xã giáp ranh với Việt Nam, có 4 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia, 14 điểm giao thương biên giới, là thành phố cấp địa khu có đường biên giới trên đất liền dài nhất và số lượng cửa khẩu nhiều nhất tại Trung Quốc.
Nhờ vào nỗ lực chung của cả hai phía, năm nay sản phẩm dừa tươi đã xuất khẩu chính ngạch thành công vào thị trường Trung Quốc, đến nay, đã có 12 loại trái cây Việt Nam đã được phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Năm ngoái, cửa khẩu Lũng Vài đã được phép nhập khẩu động vật thủy sản ăn được, năm nay cửa khẩu Pò Chài được phê duyệt là địa điểm giám sát nhập khẩu ngũ cốc chỉ định, cửa khẩu Ái Điểm là địa điểm giám sát nhập khẩu trái cây chỉ định, cung cấp các dịch vụ thông quan thuận tiện hơn cho các sản phẩm nông lâm thuỷ của Việt Nam vào Trung Quốc. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, kim ngạch thương mại giữa thành phố Sùng Tả và Việt Nam đạt 129,26 tỷ NDT, tăng 8,6% so với cùng kỳ, chiếm 65% tổng kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam. Trong đó, trái cây Việt Nam rất được người tiêu dùng Trung Quốc yêu thích, từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, trái cây Việt Nam nhập khẩu qua cửa khẩu thành phố Sùng Tả đạt 710 nghìn tấn, trong đó sầu riêng Việt Nam nhập khẩu tăng mạnh, đạt 403 nghìn tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ, chiếm 57,4% tổng lượng nhập khẩu sầu riêng Việt Nam của Trung Quốc.
Để thúc đẩy sự phát triển ổn định và liên tục của hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Việt, đại diện lãnh đạo thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đề xuất cùng thúc đẩy giao lưu và hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa thành phố Sùng Tả và tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam; tích cực thúc đẩy nhiều sản phẩm nông lâm thuỷ sản được phê duyệt xuất khẩu sang Trung Quốc, mở rộng giao lưu và hợp tác với thành phố Sùng Tả trong các lĩnh vực như dược liệu, sản phẩm thuỷ sản, bột sắn, ngành công nghiệp lâm nghiệp. Đặc biệt, đơn vị mong muốn cùng Lạng Sơn thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh nhằm nâng cao tính tiện lợi thông minh tại các cửa khẩu biên giới.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp để tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam - Trung Quốc như: Tăng cường hợp tác, phát huy hiệu quả của các cửa khẩu thông minh (đường bộ, đường biển, đường sắt), tạo mọi điều kiện thông thoáng thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản và thủ tục kiểm dịch xuất nhập cảnh qua biên giới; tăng cường các hoạt động XTTM (Hội chợ, diễn đàn kết nối giao thương, trao đổi các đoàn công tác...). Đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc tăng thêm số lượng trái cây Việt Nam có tiềm năng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.
Hai bên tăng cường hợp tác, đầu tư cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt là mở rộng kho lạnh, kho bảo quản hàng nông sản, địa điểm tập kết hàng hoá vận chuyển đường bộ và đường sắt và phương tiện vận tải hàng hoá làm thủ tục thông quan thuận lợi tại khu vực biên giới mỗi nước; hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản hiệu quả từ sản xuất đến phân phối; hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sẽ giúp tối ưu hóa quá trình vận chuyển, giảm chi phí và thời gian, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Việt Nam và Trung Quốc cần hợp tác để xây dựng các kênh phân phối trực tuyến hiệu quả, đưa sản phẩm nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng.
Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cũng đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc như: Đẩy mạnh việc đăng ký vùng trồng, công tác truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hoá; đẩy nhanh tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng thêm số lượng trái cây và mặt hàng thủy sản được chính thức xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và các thị trường khác trên thế giới; tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tổ chức sản xuất để nâng cao chất lượng tiêu chuẩn nông sản Việt Nam; tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, trước mắt chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản.
Trong diễn đàn, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và và Phát triển nông thôn Việt Nam, các sở ngành, cơ quan đơn vị liên quan, các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều ý kiến đóng góp, tham gia, trao đổi, đối thoại về những cơ hội, thách thức, cũng như các giải pháp cụ thể, thực tiễn nhằm kết nối mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo bước đột phá trong xây dựng môi trường kinh doanh xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản lành mạnh, phát triển bền vững. Từ đó, sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng và các mặt hàng tiềm năng nói chung qua các cặp cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh: Diễn đàn đã khẳng định việc tiếp tục tăng cường hợp tác, phối hợp để đảm bảo thương mại các mặt hàng nông lâm thủy sản giữa Việt Nam – Trung Quốc được thông suốt và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về mặt an toàn thực phẩm của người tiêu dùng Việt Nam - Trung Quốc, qua đó ổn định và phát triển một thị trường nông lâm sản bền vững đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội mỗi nước.
Để triển khai các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành trung ương, các địa phương, đơn vị trực thuộc thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý tháo gỡ vướng mắc về kỹ thuật các sản phẩm nông lâm thủy sản, duy trì phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản giữa 2 nước đảm bảo chất lượng và bền vững. Các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và PTNT theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động đàm phán mở thêm các sản phẩm mới, bổ sung thêm vùng trồng, vùng nuôi, doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc; chủ động ứng phó tháo gỡ các vướng mắc trong xuất nhập khẩu nông sản, duy trì và phát triển thị trường; tiếp tục phổ biến, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc để doanh nghiệp triển khai thực hiện, đáp ứng các quy định về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm vào nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; kịp thời nắm bắt và phổ biến các quy định mới về xuất nhập khẩu, nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc; tập trung tổ chức lại chuỗi sản xuất theo ngành hàng cụ thể gắn với các vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn; khẩn trương, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương để đảm bảo cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi phục vụ xuất khẩu; minh bạch hóa thông tin với các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói theo mùa vụ, thời vụ; chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất; tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản.
Trong năm 2025 và các năm tới, tiếp tục quan tâm phát triển thị trường nông lâm thủy sản 2 nước, nhất là tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm là lợi thế của các tỉnh giáp biên giới 2 nước theo hướng bền vững, chất lượng. Bên cạnh duy trì giao thương, kết nối thúc đẩy xuất khẩu vào các khu vực thị trường phía Nam thông qua đường biên giới đất liền, cần nghiên cứu tiếp cận kênh phân phối tại thị trường các tỉnh phía Bắc của Trung Quốc và liên kết với doanh nghiệp bạn để tham gia mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng.
Diễn đàn là dịp để tỉnh Lạng Sơn, các địa phương và doanh nghiệp, thương nhân trong nước gặp gỡ, giới thiệu và thúc đẩy hợp tác kinh doanh, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản với các doanh nghiệp, thương nhân Trung Quốc. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hai bên nắm bắt thông tin về cơ chế chính sách xuất khẩu hàng nông sản qua các cửa khẩu Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tìm hiểu, kết nối với đối tác tiềm năng. Ngoài ra cũng là cơ hội để doanh nghiệp hai bên nêu kiến nghị với các cơ quan chức năng về những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi, hiệu quả cao.
Triệu Thành