Theo tìm hiểu, ngày 1/6/2017, UBND huyện Tĩnh Gia đã ký quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với 39/54 trường hợp (còn lại 15 trường hợp chưa bị chấm dứt do đang nghỉ sinh hoặc nghỉ ốm) đã ký hợp đồng lao động với các trường trên địa bàn huyện này, từ năm 2013 - 2016, thông qua sự ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia đương nhiệm tại thời điểm đó là ông Nguyễn Xuân Thủy (đang là Bí thư huyện ủy Tĩnh Gia), khi không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền?
Đặc biệt, trong số đó, có những trường hợp được tuyển dụng mà chuyên môn không phù hợp với yêu cầu trong lĩnh vực đang ký hợp đồng lao động.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia nhiệm kỳ 2011-2015 (Hiện nay là Bí thư huyện ủy Tĩnh Gia)
Cụ thể, trong số 54 trường hợp này, ở bậc mầm non, theo biên chế tỉnh Thanh Hóa giao cho huyện Tĩnh Gia còn thiếu 33 biên chế giáo viên. So với thực tế, số giáo viên mầm non còn thiếu tới 163 người (tính theo số lớp tại các trường mầm non trên địa bàn). Tuy nhiên, khi được sự ủy quyền của lãnh đạo huyện, hiệu trưởng các trường đã ký 17 hợp đồng lao động (tính đến ngày 31/12/2016) đều là nhân viên y tế và nhân viên phục vụ mà không ký hợp đồng với giáo viên nào (trong đó có 5 trường hợp được ký ngày 25/11/2015).
Ở bậc tiểu học, so với biên chế tỉnh Thanh Hóa tạm giao, huyện Tĩnh Gia còn thiếu 85 biên chế là giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, trong số 12 trường hợp được UBND huyện ủy quyền cho các trường tuyển dụng (tính đến 31/12/2016), có tới 8 nhân viên hành chính (?). Trong khi với số nhân viên hành chính hiện có ở các trường tiểu học trên địa bàn huyện không thiếu.
Ở bậc trung học cơ sở, số biên chế dôi dư so với chỉ tiêu tỉnh Thanh Hóa giao cho huyện Tĩnh Gia đang là 80 người. Trong khi đó, lãnh đạo UBND huyện không giảm theo quy định mà vẫn tiếp tục ủy quyền cho hiệu trưởng các trường tuyển dụng thêm 25 hợp đồng là giáo viên và nhân viên cho bậc học này?
Những trường hợp hợp đồng này, được UBND huyện Tĩnh Gia ủy quyền bằng văn bản cụ thể cho hiệu trưởng các trường ký với người lao động.
Từ năm 2013 – 2016, nguồn kinh phí để trả lương cho số giáo viên và nhân viên hành chính này được lấy từ nguồn ngân sách sự nghiệp giáo dục của tỉnh Thanh Hóa, cấp cho huyện Tĩnh Gia. Tuy nhiên, theo Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 23/8/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa, không chấp nhận chi trả kinh phí cho những trường hợp tuyển dụng sai quy định này của UBND huyện Tĩnh Gia.
Vì thế, dù UBND huyện Tĩnh Gia đã có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với 39/54 trường hợp được tuyển dụng sai quy định trong thời gian từ năm 2013 - 2016; nhưng tính đến ngày 18/7, huyện này vẫn chưa thể thanh toán lương năm 2017 cho số giáo viên và nhân viên này? Bởi kinh phí chi lương và các khoản đóng góp khác cho giáo viên, nhân viên hành chính các bậc học năm 2017, được tỉnh Thanh Hóa cấp trên số lượng biên chế được UBND tỉnh này giao.
Mặc dù, đã có thống kê về số lương của những lao động này, nhưng huyện Tĩnh Gia chưa có kinh phí chi trả
Mặt khác, trong phân bổ kinh phí năm 2017, của huyện Tĩnh Gia, đã được HĐND huyện thông qua nghị quyết, cũng không đồng ý phân bổ nguồn kinh phí để trả lương và các khoản đóng góp khác cho 54 trường hợp trên.
Như vậy, hiện nay, trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, đang diễn ra thực tế “nghịch lý" đó là chỗ đủ thì vẫn tuyển dụng, còn những chỗ thiếu giáo viên lại chỉ tuyển nhân viên hành chính (?!).
Nghiêm trọng hơn, việc ủy quyền ký hợp đồng lao động hàng loạt không đúng quy định nêu trên dẫn đến tình trạng, địa phương này hiện nay không có kinh phí để chi trả. Điều này, đẩy hàng loạt giáo viên, nhân viên “bơ vơ” lâm cảnh mất việc và có thể mất lương?
Trọng Đào