Phát triển thành một “thị trường” số Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến 2030, được xác định là nền móng vững chắc cho mọi hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, bằng các chỉ tiêu và nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể được đề ra. Từ đó, Thái Nguyên phát triển thành một “thị trường” số lớn. Theo đó, tất cả công nghệ, nhân lực, các DN số sẽ được đầu tư và khi từng bước xã hội số bứt phá, sẽ kéo theo kinh tế số và mỗi người dân sẽ trở thành “công dân số”. Theo kế hoạch, sẽ có 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số gồm y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp, du lịch. Đến nay, sau 1 năm triển khai thực hiện nghị quyết, Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chuyển đổi số và thuộc nhóm 7 địa phương xếp loại A về mức độ sẵn sàng bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Thái Nguyên được Trung ương đánh giá là địa phương đi nhanh, đi trước trong chuyển đổi số. Các chỉ số đo lường, đánh giá của người dân, DN đối với đảng bộ, chính quyền của tỉnh như PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS... đều đạt thứ hạng cao. Toàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu trên cả 3 trục chuyển đổi số. Về phát triển chính quyền số, địa phương đã đáp ứng 100% thủ tục hành chính mức độ 4; 100% các hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung được phát triển và khai thác hiệu quả; hoạt động của Trung tâm Dữ liệu tập trung, Trung tâm Giám sát an toàn thông tin, Trung tâm Điều hành thông minh kịp thời, hiệu quả.
Trong lĩnh vực kinh tế số, Thái Nguyên đã đẩy mạnh TMĐT; ứng dụng công nghệ số kết nối, quảng bá các sản phẩm chủ lực; đưa vào sử dụng website OCOP Thái Nguyên, website Chè Thái Nguyên, Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Thái Nguyên; xúc tiến thành lập Khu CNTT tập trung Yên Bình. Đối với phát triển xã hội số, 100% cơ sở giáo dục ứng dụng phần mềm quản lý nhà trường; 100% trạm y tế cấp xã triển khai ứng dụng quản lý thông tin y tế; triển khai hệ thống khám chữa bệnh từ xa; triển khai các nền tảng công dân số; triển khai wifi Internet miễn phí tại một điểm công cộng. Đặc biệt, trong năm qua, tỉnh đã đưa vào triển khai Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Đây là trung tâm của nhiều hoạt động ứng dụng chuyển đổi số và đang từng bước hoàn thiện. Trên nền tảng IOC, tỉnh đã triển khai nhiều ứng dụng có giá trị thiết thực đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH và đặc biệt là phòng chống dịch Covid-19 như C-Nguyên, bản đồ Covid-19, khám chữa bệnh từ xa, quản lý các khu, điểm cách ly, quản lý phương tiện đến Thái Nguyên…
Thái Nguyên đầu tư mạnh thí điểm và xây dựng giải pháp đô thị thông minh tại TP. Thái Nguyên, TX. Phổ Yên và TP. Sông Công. Trước đó (20/12), TP. Thái Nguyên được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vinh danh “thành phố thông minh Việt Nam” trên các tiêu chí: Điều hành, quản lý thông minh; Dịch vụ công thông minh; Thành phố hấp dẫn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Mở ra những cơ hội phát triển mới Cùng với sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng DN, doanh nhân…, chương trình chuyển đổi số KT-XH, đã đạt được những kết quả tích cực. Các chỉ tiêu KT-XH đạt và vượt kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng bứt phá: Kinh tế tăng trưởng đạt 6,51%, cao gấp 2 lần bình quân chung của cả nước; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt 95,1 triệu đồng; thu NSNN đạt gần 18.000 tỷ đồng. Thái Nguyên trong số 20 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất, trong đó số thu nội địa đứng thứ 18 cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 844 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so cùng kỳ 2020 (đứng thứ 4 cả nước); giá trị xuất khẩu đạt trên 28,8 tỷ USD, tăng 2,4% so kế hoạch, tiếp tục duy trì thứ hạng thứ 4/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, sớm phân bổ tất cả các nguồn vốn đầu tư để tập trung ngay từ những ngày đầu của năm, kết thúc năm 2021, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh đạt 143% kế hoạch - do Thủ tướng Chính phủ giao. Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng cho biết: “Thái Nguyên đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về chương trình chuyển đổi số (triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo trên 3 nền tảng là kinh tế số, chính quyền số, xã hội số); lấy ngày 31/12 hằng năm là Ngày chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên. Điều đó, thể hiện sự nhanh nhạy, kịp thời nắm bắt thời cơ và ý chí quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng xã hội và người dân tỉnh Thái Nguyên để mở ra những cơ hội phát triển mới, chủ động đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phương thức sống, làm việc của người dân - là bước đi phù hợp với xu thế của đất nước, khu vực và thế giới”. Công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và cung cấp dịch vụ công qua các ứng dụng chuyển đổi số, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong phục vụ người dân. Môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch. Nhờ đó, Thái Nguyên thu hút nhiều tập đoàn, DN lớn như Công ty CP Flamingo Holding Group, Công ty CP Công nghệ - Viễn thông Sài Gòn, Công ty TNHH DBG Technology (Việt Nam), Công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam, Tập đoàn FLC, Công ty CP tập đoàn Danko, Công ty CP Dongwha Việt Nam…
Năm 2022, UBND tỉnh đề ra các mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt công tác phòng chống dịch Covid-19; đẩy mạnh cải cách hành chính; tháo gỡ khó khăn, bảo đảm duy trì và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn; tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và đầu tư công 5 năm (2021 – 2025). Cùng với phát triển kinh tế, các hoạt động văn hóa, xã hội tiếp tục được duy trì; chính sách an sinh xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 0,65%, còn 2,17%... Thời gian tới, Thái Nguyên cần tập trung nguồn lực triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án về chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng Đề án Khu CNTT tập trung Yên Bình; hoàn thiện IOC Thái Nguyên, nền tảng xã hội số và ứng dụng “ThaiNguyen ID”; rà soát, từng bước hoàn thiện, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu hành chính. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện chuyển đổ số.
Hoàng Thiệp