THCL Với 266/1.350 làng nghề gây ô nhiễm môi trường và khoảng 60.000 m3 nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường, cùng với sự xuất hiện của lượng lớn rác thải không được xử lý triệt để… đã khiến nguồn nước, không khí tại các làng nghề ở Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề (Hà Nội): Báo động đỏ! - Hình 1

Tình trạng ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân

Sống cùng ô nhiễm

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển CN (Sở Công thương), do chưa có ý thức bảo vệ môi trường (BVMT) nên hầu hết các làng nghề ở Hà Nội đều bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. MT tại các làng nghề Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (Hoài Đức); Kỳ Thủy, Thanh Lương (Thanh Oai); Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm); Hòa Khuê - Hạ (Phú Xuyên)… đang bị suy thoái nghiêm trọng.

Kết quả khảo sát tại 40 làng nghề của Trung tâm Quan trắc và Phân tích TNMT Hà Nội cho thấy, hầu hết MT nước, không khí, đất đai tại các làng nghề đều bị ô nhiễm, nhiều nơi ở mức báo động. Nước thải sản xuất tại các làng nghề đều được thải thẳng ra MT với mức độ ô nhiễm rất cao, không qua hệ thống xử lý.

Theo Bộ TN&MT, hàm lượng các chất ô nhiễm theo các chỉ số COD, BOD5 hay tổng số vi khuẩn coliform trong nước thải làng nghề đều vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần, có nơi lên tới hàng trăm lần. Tại hầu hết các làng nghề, đều có hàm lượng bụi vượt tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí SO2 tại các làng nghề mây - tre - giang và chế biến nông sản, thực phẩm cao hơn nhiều lần.

Huyện Hoài Đức, có 3 làng chế biến nông sản là Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế, gây ONMT nghiêm trọng: lượng nước thải lên tới 3.155.000 m3/năm. Kết quả phân tích mẫu nước cho thấy, hàm lượng chất ô nhiễm cao, coliform cao hơn hàng nghìn lần so với mức trung bình, lượng oxy hòa tan trong nước thấp hơn tiêu chuẩn 2mg/l, lượng oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hóa học trong nước cao hơn tiêu chuẩn 18,23 lần, lượng oxy cần thiết để vi sinh vật oxy hóa các chất hữu cơ theo phản ứng cũng cao hơn tiêu chuẩn 12,3 lần…

Tại làng nghề bún Phú Đô (Nam Từ Liêm), cứ 10.200 tấn sản phẩm/năm sẽ thải ra 76,9 tấn COD, 53,14 tấn BOD5, 9,38 tấn SS, gây ONMT nước nghiêm trọng. Theo người dân, những ngày nắng nóng, ô nhiễm lên tới đỉnh điểm, nước vo gạo chua đổ ra cống rãnh dồn về phía mương bốc mùi nồng nặc...

Các làng nghề Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Đà, Bích Hòa (Thanh Oai) nước thải phát sinh do quá trình tẩy rửa các nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất, lượng nước sử dụng lớn, có nơi lên tới 7.000 m3/ngày thường không được xử lý đã xả thải trực tiếp ra môi trường.

Làng nghề Trát Cầu (Thường Tín) từ lâu đã nổi tiếng với nghề chăn - ga - gối - đệm. Những năm gần đây, đời sống người dân ngày càng khấm khá, nhưng cùng với sự phát triển kinh tế, người dân đang phải đối mặt với nạn ONMT nghiêm trọng…

Còn nhiều bất cập

Sở Công thương Hà Nội đánh giá, chất lượng MT sống tại các làng nghề đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi ô nhiễm về nguồn nước, nước thải, chất thải rắn, không khí, bụi, tiếng ồn... đã ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân tại các làng nghề và vùng lân cận.

Tại nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh (đặc biệt là nhóm người trong độ tuổi lao động) đang có xu hướng gia tăng. Tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm, thấp hơn so với làng không làm nghề. Tại các làng sản xuất kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về BVMT (tháng 8), Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Thời gian qua, công tác xử lý ONMT trên địa bàn luôn được thành phố hết sức quan tâm. Theo đó, thực hiện QĐ 64 của Chính phủ, TP đã hoàn thành 25/25 cơ sở xử lý ONMT theo chỉ đạo của Chính phủ, xử lý 3/3 cơ sở ONMT đặc biệt nghiêm trọng; đã kiểm tra 184 đơn vị gây ONMT và khắc phục, xử lý hoàn toàn được 47 đơn vị.

Cùng với đó, TP đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục ONMT trên địa bàn. Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng ONMT tại các làng nghề là do cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế; sự quan tâm, chỉ đạo của một chính quyền, cơ quan còn chưa đúng mức, chưa tạo được sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ các cấp.

Việc lồng ghép vấn đề môi trường, bảo tồn thiên nhiên trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển chưa được chú trọng, thường xuyên dẫn đến ONMT cục bộ một số nơi, đặc biệt là ô nhiễm do bụi. Ngoài ra, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT còn nhiều bất cập, chồng chéo.

Trong khi đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về MT, tài nguyên thiên nhiên nhiều cơ sở CN, SXKD, dịch vụ chưa cao, chưa có ý thức chấp hành Luật BVMT, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, không đầu tư xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm, ý thức BVMT và bảo tồn đa dạng sinh học của người dân chưa cao.

Đặc biệt, bộ máy quản lý nhà nước về MT còn thiếu và yếu, thậm chí kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu…

Tuấn Ngọc